CHUYÊN MỤC

Đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc gắn với tuyên truyền về lợi ích của cây xanh để góp phần bảo vệ nguồn nước

01/04/2019
Nước giữ một vai trò đặc biệt trong sự sống và phát triển của con người. Ở bất kỳ thời đại nào, vấn đề nước sạch cũng hết sức quan trọng. Nguồn nước sạch là nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn, nếu khai thác và sử dụng không hợp lý thì một ngày không xa sẽ cạn kiệt nguồn nước, con người sẽ đứng trước thảm họa không có nước sạch để duy trì sự sống. Điều này đặt ra nhiều vấn đề không chỉ cho công tác quản lý nhà nước, mà còn cần ở sự thay đổi trong chính mỗi con người chúng ta.
Đức Cơ là huyện biên giới phía Tây của tỉnh Gia lai, nằm dọc theo Quốc lộ 19 với tổng diện tích đất tự nhiên là 72.312 ha; Tài nguyên nước của huyện khá lớn, hệ thống sông suối của huyện có mật độ không cao song được phân bố khá đều trong toàn vùng như: suối Ia Krêl ở phía Bắc đổ ra sông Talesan (Campuchia). Phía Nam là các suối Ia Kreng, Ia Puch, Ia Lang... đều là phụ lưu của Ia Drăng. Độ dốc bình quân của các suối trong huyện là 5,5%. Do địa hình của huyện thoải dần về phía biên giới nên các suối ở đây đều có hướng đổ phía Tây. Vùng có nhiều đồi cao, mức độ chia cắt ngang và chia cắt sâu khá lớn, mạng lưới sông suối dày và có lưu lượng vào các mùa. Mực nước trung bình vào mùa khô từ 1-2m; mùa mưa từ 3-5m. Sông suối ở Đức Cơ tuy lượng nước có giảm về mùa khô nhưng quanh năm đều có nước chảy. Bên cạnh hệ thống các suối, trên địa bàn huyện còn có nhiều hồ tự nhiên và nhân tạo như: hồ C5, hồ thủy điện Ia Kla, hồ 701, hồ Làng Khóp… Nguồn nước mặt trên địa bàn huyện có ý nghĩa quan trọng đối với sinh hoạt và sản xuất của đồng bào các dân tộc trong huyện.
          Tuy nhiên, hiện nay do diện tích rừng mất nhiều, dẫn tới sự giảm sút mực nước ngầm. Ở một số vùng thấp, lại thường bị ngập lụt trong mùa mưa. Để khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên nước phục vụ phát triển sản xuất và đời sống, cần có chiến lược tổng thể về sử dụng nguồn nước, xây dựng đồng bộ các công trình thủy lợi, các đập ngăn giữ nước trong mùa mưa và tăng độ che phủ rừng và cây công nghiệp.

Untitled.jpg
Ảnh minh họa
Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của mỗi địa phương nhất thiết phải gắn với chiến lược bảo vệ môi trường. UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Quyết định số 01/QĐ-UBND, ngày 14/01/2015 về phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Gia Lai đến năm 2025, trong đó đề ra các giải pháp nhằm tổ chức ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước, theo dõi phát hiện giải quyết sự cố ô nhiễm nguồn nước; bảo đảm nguồn nước phục vụ sinh hoạt trong trường hợp hạn hán, thiếu nước, ô nhiễm nguồn nước.
          Hằng năm Huyện Đức Cơ cũng đã ban hành Kế hoạch Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới. Theo đó, đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ban ngành, đoàn thể chính trị-xã hội tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ tài nguyên nước. Tuy nhiên, tình trạng chặt phá rừng, đất trống đồi trọc cùng với sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, công nghệ khiến con người phải thường xuyên đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường và chịu ảnh hưởng của hạn hán, thiên tai. Ý thức bảo vệ môi trường sống còn chưa được nhiều người quan tâm và hiểu rõ một số lợi ích thiết thực mà cây xanh mang lại cho con người, với hy vọng mọi người sẽ có ý thức hơn trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh, mà quan trọng và xa hơn là bảo vệ sức khỏe. Do đó, đề nghị các cấp, các ngành cần xây dựng Kế hoạch gắn với hành động cụ thể, thiết thực trong việc trồng, chăm sóc và về lợi ích mà cây xanh mang lại cho con người, như:
          - Giảm ô nhiễm môi trường: Cây xanh từ xưa đến nay luôn được coi là "lá phổi" của trái đất. Trồng nhiều cây xanh giúp cung cấp một lượng lớn oxy cho chúng ta thở. Đồng thời chúng cũng hấp thụ C02, amoniac, S02, Nox, bụi bẩn,... từ đó làm giảm các khí độc hại bị thải ra môi trường, giúp không khí trở nên trong lành hơn.
          - Tiết kiệm nước và giảm xói mòn đất: Cây xanh có thể làm chậm sự bốc hơi nước, tăng độ ẩm không khí. Rễ cây có tính thấm hút nước tốt. Vì thế khi đến mùa mưa bão, cây có thể giúp giữ nước và cản trở quá trình chảy ào ạt của dòng nước, thổi ào ạt của gió, từ đó hạn chế tình trạng bão, lũ lụt, xói mòn đất do nước chảy mạnh. Lượng nước do rễ cây giữ lại có thể được tái tạo và trở thành các mạch nước ngầm. Chính vì thế trồng nhiều cây xanh để giúp người dân giảm bớt các thiệt hại do thiên tai mang lại.
          - Giảm nhiệt độ đường phố: Trồng nhiều cây xanh ở các khu dân cư đông đúc, nơi công cộng sẽ không chỉ giúp cho không khí ở đó trong lành hơn, mà cây còn có thể làm bóng mát ngăn chặn ánh nắng mặt trời, hạn chế tác hại của các bức xạ mặt trời lên người dân. Cây cũng hấp thụ các khí độc thải ra từ khói xe cộ, quán ăn, bụi bẩn, rác thải và nhiệt từ chính con người tỏa ra, từ đó giúp giảm bớt nhiệt.
          - Bảo tồn năng lượng: Trồng nhiều cây xanh xung quanh ngôi nhà sẽ giúp bạn điều hòa được không khí ngôi nhà mình, giúp giảm nhiệt và không khí mát mẻ, trong lành hơn, giúp bạn có được một giấc ngủ thật ngon.
          - Cải thiện sức khỏe con người: Tình trạng ô nhiễm môi trường khiến sức khỏe chúng ta bị ảnh hưởng và ngày một suy yếu hơn do thường xuyên hít phải khói bụi độc hại và ảnh hưởng của ô nhiễm ánh sáng, tiếng ồn. Các bệnh liên quan đến hệ tim mạch, hô hấp, cao huyết áp,... đều là những căn bệnh có liên quan đến tình trạng này. Trồng nhiều cây xanh là biện pháp tự nhiên và lâu dài tạo môi trường yên tĩnh, thoáng mát, sạch sẽ và trong lành sẽ khiến sức khỏe trở nên tốt hơn.
          - Tạo ra cơ hội kinh tế: Trồng cây ăn trái sẽ giúp chúng ta cải thiện được thu nhập, trồng cây cảnh giúp tạo cảnh quan đẹp và tạo nên nét đặc trưng, đặc sản cho vùng miền, từ đó giúp phát triển kinh tế.
          Ngoài các biện pháp của cơ quan chức năng, mỗi người dân trên địa bàn cần nâng cao nhận thức nhằm sử dụng tiết kiệm, chống lãng phí nước sinh hoạt, hạn chế thấp nhất khai thác sử dụng nguồn nước ngầm cho mục đích khác nhau. Mỗi người dân cần có ý thức bảo vệ môi trường bằng các hành động cụ thể là không xả rác thải, nước thải ra môi trường; giữ gìn, bảo vệ rừng, trồng cây gây rừng, tạo mảng xanh che phủ, giữ nước dưới đất. Bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước là một quá trình lâu dài và khó khăm song nếu có sự chung tay của cộng đồng dân cư thì chắc chắn môi trường nói chung và nguồn nước nói riêng sẽ được cải thiện./.
Văn Nam

Other


Thông tin bản quyền

Cơ quan: huyện Đức Cơ - tỉnh Gia Lai
Địa chỉ: Thị trấn Chư Ty - Huyện Đức Cơ - tỉnh Gia Lai
Điện thoại: (0269) 3846107 - Fax: (0269) 3846428 - Email:ubndducco@gialai.gov.vn
Người chịu trách nhiệm:
Lê Văn Thịnh - Chánh Văn phòng HĐND & UBND huyện Đức Cơ
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 23 tháng 5 năm 2018  của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
handle_cert.png