Quá trình hình thành và phát triển >> Cơ cấu tổ chức UBND >>
Lịch sử Đảng bộ huyện >> Các phòng ban chuyên môn >>
Cơ cấu tổ chức Huyện ủy >> Các tổ chức đoàn thể >>
Chức năng nhiệm vụ >> Các đơn vị, UBND các xã >>
Cơ cấu tổ chức HĐND >> Hộp thư điện tử >>
htpt-(1).jpg

 

Huyện Đức Cơ được thành lập theo Quyết định số 315/HĐBT ngày 15/10/1991 của Hội Đồng Bộ Trưởng (nay là Chính phủ); Trên cơ sở tách 04 xã của huyện ChưPrông và 04 xã của huyện Chư Păh cũ; là huyện miền núi, biên giới phía Tây của tỉnh Gia lai, nằm dọc theo Quốc lộ 19 với tổng diện tích đất tự nhiên là 72.312 ha; có Cửa Khẩu Quốc tế Lệ Thanh giáp với huyện OYaDao, tỉnh Ratanakiri, Vương quốc CampuChia; có 10 đơn vị hành chính gồm 09 xã, 01 thị trấn với 93 thôn, làng, tổ dân phố. Dân số toàn huyện hơn 72 nghìn người, với 19 dân tộc cùng sinh sống, với gần 45% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là DTTS Jrai)

Vị trí địa lý:
- Bắc giáp: huyện Ia Grai.
- Nam giáp: huyện Chư Prông.
- Đông giáp: huyện Chư Prông.
- Tây giáp: Cam Pu Chia.
Đơn vị hành chính cấp xã, trị trấn: 10 (1 thị trấn, 9 xã).
- Thị trấn: Chư Ty.
- Các xã: Ia Din, Ia Dom, Ia Dơk, Ia Krêl, Ia Kriêng, Ia Kla, Ia Lang, Ia Nan, Ia Pnôn.

Tổng quan kinh tế - văn hoá - xã hội, an ninh chính trị:

      Từ khi được thành lập Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong huyện Đức Cơ quyết tâm vượt qua mọi thử thách, khó khăn và đã làm thay đổi bức tranh toàn cảnh kinh tế-xã hội của huyện nhà, đảm bảo sự ổn định về chính trị, vững mạnh về quốc phòng - an ninh và chủ quyền biên giới Quốc gia.
Trải qua giai đoạn xây dựng và phát triển, Kinh tế của huyện duy trì ở mức tăng trưởng khá, đặc biệt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2010-2015 là 13,15%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, phù hợp với điều kiện thực tế của huyện. Đến cuối năm 2015, giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản đạt 1.872 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 48,6%; giá trị sản xuất dịch vụ đạt 1.365 tỷ đồng, chiếm 33,1%; giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp và xây dựng đạt 735 tỷ đồng đạt 18,3%; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 27,9 triệu đồng/người/năm.
Sản xuất nông – lâm nghiệp tiếp tục phát triển và chuyển dịch nhanh theo hướng sản xuất hàng hóa. Đến nay, tổng diện tích gieo trồng toàn huyện đạt 34.747 ha. Cây công nghiệp dài ngày phát triển nhanh và đã hình thành vùng cây hàng hóa với diện tích 30.828 ha, chiếm 43% tổng diện tích toàn huyện. Ngoài 16.400 ha cây công nghiệp của 03 Công ty thuộc Binh đoàn 15, đến nay nhân dân trên địa bàn huyện đã trồng và đưa vào kinh doanh 5.283 ha café, 4.300 ha cao su, góp phần xóa đói, giảm nghèo nâng cao thu nhập và đời sống của đại bộ phận người lao động, đặc biệt là bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.
      Ngày 28/6/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khoá XIII) đã ban hành Nghị quyết về phát triển Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh giai đoạn 2007-2015 và định hướng đến năm 2020 đã xác định xây dựng Đức Cơ trở thành trung tâm trong tam giác phát triển của 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia; là vùng kinh tế động lực phía Tây của tỉnh trên tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia trong giai đoạn đến năm 2020. Thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, việc đầu tư cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh, kết cấu hạ tầng tại các xã, thị trấn được đầu tư theo hướng phát triển đô thị, thị tứ. Về phát triển Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, huyện đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng của tỉnh và Ban quản lý khu kinh tế tỉnh đẩy mạnh công tác xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển Khu Kinh tế Cửa khẩu Lệ Thanh thành đô thị biên giới và là trung tâm dịch vụ giữa tỉnh Gia Lai với các tỉnh Đông Bắc CPC.
      So với những năm đầu thành lập huyện, hiện nay cơ sở hạ tầng của các xã đã được chú trọng đầu tư và có sự thay đổi đáng kể. 100% đường vào Trung tâm xã đã được nhựa hóa; 100% số xã và 93/93 thôn, làng, tổ dân phố đã có điện, hơn 98% số hộ sử dụng điện; 86% hộ dân được dùng nước hợp vệ sinh. Hệ thống thông tin liên lạc được thông suốt, phục vụ tốt trong công tác lãnh đạo và phục vụ nhu cầu nhân dân, mạng điện thoại tăng nhanh với gần 50.742 thuê bao. 10/10 xã, thị trấn đã được đầu tư trụ sở làm việc đảm bảo tiêu chuẩn. Hệ thống đường giao thông trục xã, liên thôn đã được cứng hóa, bước đầu đáp ứng nhu cầu đi lại, sản xuất nông nghiệp, thông thương hàng hóa và phục vụ đời sống của nhân dân. Đến nay, có 2/9 xã đạt chuẩn Nông thôn mới; 07 xã còn lại đã đạt từ 09 đến 13 tiêu chí. Thu nhập, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.
      Về thu ngân sách của huyện, trong những năm gần đây không ngừng tăng cao, tăng bình quân 6,7% năm; năm 1992 thu cân đối ngân sách huyện chỉ đạt 658 triệu đồng thì đến năm 2015 đã đạt 42 tỷ đồng. Mạng lưới ngân hàng được mở rộng, chất lượng hoạt động có nhiều tiến bộ; đến nay, có 04 chi nhánh, phòng giao dịch; trong đó, có 3 chi nhánh hoạt động thương mại. Công tác tín dụng chính sách xã hội được chú trọng, tạo điều kiện cho các hộ nghèo được vay vốn phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo.
Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hoá-xã hội cũng được Đảng bộ và chính quyền huyện, xã các cấp quan tâm, chú trọng. Quy mô giáo dục tăng nhanh, chất lượng dạy và học được nâng lên cơ sở vật chất trường lớp không ngừng được đầu tư hoàn thiện, đảm bảo cho công tác dạy và học. Năm học 2016-2017, toàn huyện có 51 trường tăng gấp 03 lần so với năm đầu khi mới thành lập huyện với 21.748 học sinh. Nhìn chung, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên, tỷ lệ học sinh lên lớp, học sinh giỏi, học sinh đỗ tốt nghiệp các cấp và đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hằng năm đều tăng. Tỷ lệ huy động trẻ em 5 tuổi ra lớp đạt 99,7%; gần 100% cán bộ giáo viên đạt trình độ chuẩn; có 10 trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia; 10/10 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trẻ mẫu giáo 5 tuổi, phổ cập tiểu học, THCS. Công tác khuyến học, khuyến tài, xã hội hóa giáo dục đào tạo và dạy nghề chuyển biến tích cực.
      Chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân được quan tâm; công tác tuyên truyền và phòng, chống dịch bệnh được triển khai tích cực, không để dịch bệnh xảy ra. Đến nay, 100% thôn, làng, tổ dân phố có nhân viên y tế; 100% xã có bác sỹ và y sỹ, nữ hộ sinh trung học; 04/10 xã, thị trấn đạt tiêu chí mới về y tế; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ 3,14% năm 1992 xuống còn 1,76% vào cuối năm 2015; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 20%.
      Hoạt động văn hoá thông tin-thể dục thể thao góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật nhà nước, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của nhân dân. Đến nay, toàn huyện có 01 nhà văn hóa huyện; 01 nhà văn hóa xã; 01 nhà rông văn hóa huyện; 03 nhà rông văn hóa xã; 22 nhà rông văn hóa thôn, làng; 93/93 thôn, làng, tổ dân phố có nhà sinh hoạt cộng đồng, hội trường tổ dân phố; các giá trị văn hoá truyền thống dân tộc được chú ý sưu tầm, bảo tồn và phát huy. Công tác xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư được triển khai rộng khắp, đến hết năm 2015, có 66% gia đình văn hoá; 58% thôn, làng, TDP văn hoá. Hệ thống truyền thanh-truyền hình không ngừng được nâng cấp và phủ sóng toàn huyện. Hoạt động thể dục, thể thao được duy trì thường xuyên, phong trào rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại được phát huy rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân.
       Chương trình xoá đói giảm nghèo được đặc biệt quan tâm, đã triển khai việc lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ vốn, kỹ thuật và hướng dẫn các hộ nghèo cách sản xuất, chăn nuôi. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo cũ) đến cuối năm 2015 giảm còn 11,7%, giảm 8,6% so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2016(theo tiêu chí mới) là 18,98%,  
       Công tác chăm lo các gia đình chính sách, người có công với cách mạng luôn được quan tâm thích đáng. Hiện nay, toàn huyện có 969 đối tượng chính sách được hưởng chế độ hàng tháng; 524 gia đình liệt sỹ; 179 thương binh; 145 bệnh binh; 408 gia đình có công giúp đỡ cách mạng. Hàng năm, từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau, huyện đã huy động xây dựng và sửa chữa hàng trăm nhà chính sách, nhà đại đoàn kết cho các đối tượng chính sách và hộ nghèo. Đã đầu tư nâng cấp, mở rộng Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Đức Cơ và xây dựng Nhà tưởng niệm các Liệt sỹ. Hàng năm, đã phối hợp với Sở Lao động – TB&XH tổ chức Lễ đón nhận hài cốt quân tình nguyện Việt Nam hy sinh ở Campuchia và trên địa bàn huyện về truy điệu, an táng tại Nghĩa trang Liệt sỹ huyện trên tinh thần hết sức tri ân và trang nghiêm.
      Việc thực hiện chính sách dân tộc, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số đã được chú trọng, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư, tăng cường khối đại đoàn kết, củng cố niềm tin của quần chúng đối với Đảng và Nhà nước. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 3.897 lao động đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ được tuyển vào làm việc tại 3 Công ty cao su 72, 74, 75 thuộc Binh đoàn 15; trong đó, công nhân Quốc phòng 53 lao động, hợp đồng dài hạn 1.070 lao động, hợp đồng thời vụ 2.774 lao động; tổng diện tích nhận khoán 5.467,5 ha; thu nhập bình quân từ 3 đến 5 triệu đồng/ người/tháng. Đến nay, các hộ vào làm công nhân của các công ty cao su thuộc Binh đoàn 15 đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống và đang từng bước vươn lên làm giàu.
      Tình hình an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện được đảm bảo, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội thường xuyên được tăng cường, giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn huyện luôn đề cao cảnh giác, chủ động đấu tranh đập tan âm mưu chống phá của bọn phản động Fulrô. Thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị và tổ chức diễn tập cho các lực lượng. Công tác diễn tập và giao quân hàng năm đạt 100% kế hoạch tỉnh giao; công tác giữ gìn trật tự an toàn xã hội cũng đạt nhiều thành tích; các cơ quan bảo vệ pháp luật ngày càng nâng cao chất lượng nghiệp vụ; công tác đối ngoại của các lực lượng, đối ngoại nhân dân được đẩy mạnh, góp phần tăng cường đoàn kết, hữu nghị giữa chính quyền, các lực lượng vũ trang và nhân dân hai bên biên giới, làm nền tảng để thúc đẩy KT-XH phát triển và góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia
      Công tác xây dựng hệ thống chính trị qua 25 năm luôn được coi trọng và thường xuyên củng cố, tạo tiền đề vững chắc để Đảng bộ lãnh đạo, chính quyền quản lý, điều hành và Mặt trận- các đoàn thể thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, vận động. Từ một Đảng bộ lúc đầu thành lập có 288 đảng viên, 16 tổ chức cơ sở Đảng; Năm 2016, toàn Đảng bộ huyện có 2.425 đảng viên, sinh hoạt ở 40 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc; có 50% tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, có trên 80% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Công tác phát triển đảng viên gắn với “xoá” thôn, làng chưa có đảng viên được coi trọng, bảo đảm nguyên tắc, tiêu chuẩn, phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương; Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được tiến hành thường xuyên và gắn với công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Đảng bộ huyện tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý từ huyện đến cơ sở, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, vững vàng về chính trị, gương mẫu về đạo đức, lối sống, có kiến thức và năng lực công tác thực tiễn, do đó, chất lượng đội ngũ cán bộ được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới 
      Việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được triển khai có hiệu quả, góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ tư tưởng và nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội; quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
          Vai trò của Mặt trận và các đoàn thể tiếp tục được phát huy có hiệu quả, phương thức hoạt động từng bước đổi mới theo hướng tập trung về cơ sở; Thường xuyên tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân  thực hiện tốt quan điểm của Đảng và tăng cường củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, thực sự là cầu nối giữa Đảng với nhân dân. Từ sự phát triển mạnh mẽ của các tổ chức đoàn thể, đã phát động nhiều phong trào có ý nghĩa như : Giúp nhau làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thanh niên lập nghiệp, tuổi trẻ giữ nước, xây dựng đời sống mới ở khu dân cư, xây dựng chính quyền, xây dựng Đảng… Tích cực vận động bà con giáo dân sống tốt đời đẹp đạo, không nghe theo lời kích động của bọn phản động Fulrô. Nhìn chung, các phong trào đều được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia hưởng ứng, khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được củng cố và mở rộng; truyền thống yêu nước, lòng nhân ái, tính năng động, sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân được phát huy mạnh mẽ; ý thức tự lực, tự cường trong xây dựng phát triển kinh tế-xã hội, ổn định chính trị và xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân được đề cao.
 

Untitled-1-(2).png

Other


Thông tin bản quyền

Cơ quan: huyện Đức Cơ - tỉnh Gia Lai
Địa chỉ: Thị trấn Chư Ty - Huyện Đức Cơ - tỉnh Gia Lai
Điện thoại: (0269) 3846107 - Fax: (0269) 3846428 - Email:ubndducco@gialai.gov.vn
Người chịu trách nhiệm:
Lê Văn Thịnh - Chánh Văn phòng HĐND & UBND huyện Đức Cơ
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 23 tháng 5 năm 2018  của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
handle_cert.png