GẶP RƠ CHÂM BƠNG Ở HẬU CỨ SƯ ĐOÀN
TRẦN TIẾN HOẠT
 
      Đã lâu rồi, chúng tôi mới có dịp thăm lại khu căn cứ Nhà Lá (thuộc xã Ia Lang, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) - một trong những địa điểm trú quân của các đơn vị Sư đoàn 320 (Đại đoàn Đồng Bằng) để chuẩn bị xuất phát tiến công địch trên đường 19 Tây (đoạn Thanh An - Phước Thiện) những năm đánh Mỹ - Ngụy 1972-1974. Vị trí này hiện tại, cũng là nơi tăng gia tập trung để cải thiện đời sống của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn. Đón tiếp chúng tôi không chỉ có Phó Sư đoàn trưởng Trần Văn Trọng cùng anh em tổ tăng gia sản xuất mà còn có Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch xã và một số anh chị em đại diện làng bản xã la Lang.
      Biết chúng tôi còn phải "điền dã" thăm thú nhiều chiến tích của Sư đoàn tại ba huyện Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông (chủ yếu là đường 19 Tây, từ Hàm Rồng đến đèo Phượng Hoàng), nên khi ngồi chưa ấm chỗ, chưa kịp làm quen nhau trong căn nhà sàn nhỏ đẹp dưới bóng cây Kơ nia tỏa bóng mát rượi bên vạt rừng cao su vâm vấp đang độ tuổi khai thác kinh doanh, Phó Sư đoàn trưởng Trọng đã vào chuyện: Hôm nay các anh trong Ban biên tập 65 (biên tập hồi ký lịch sử kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Sư đoàn Đồng Bằng 1951-2016) về thăm lại chiến trường xưa để tìm nguồn tư liệu viết bài. Hầu hết các anh là cán bộ, chiến sĩ đã từng sống, chiến đấu trên chiến trường này nên đã "thuộc nằm lòng" những chiến công của Sư đoàn (nói riêng), của quân và dân Mặt trận Đường 19 Tây (nói chung) trong những năm tháng lịch sử hào hùng ấy. Nhưng sau hơn 2 giờ đi qua một số điểm trước kia đơn vị thường bám trụ dựa vào dân để đánh giặc, các anh đã ngạc nhiên đến ngỡ ngàng trước sự thay đổi của cảnh vật thiên nhiên và làng bản nơi này. Nhất là khi ghé thăm sở chỉ huy Tiểu đoàn 1 Đống Đa (cách Tây Bắc căn cứ Nhà Lá l,5km, Nam Làng Dịt Phàng 2km, Đông Làng Dịt De lkm mọi người trong đoàn không sao nhận ra được cánh rừng có màu đất xám sẫm khác biệt với màu đất đỏ bazan xung quanh) xen kẽ dưới những tán lá rừng rậm rạp là những cây trung quân bộ đội ta thường lấy lá chằm mái lợp, giờ đây đã trở thành những đồi rừng cao su bạt ngàn ngút ngát tầm mắt. Vì vậy, để các anh trong đoàn hiểu rõ sự biến cải đó, có lẽ không ai tường tận hơn đồng chí Rơ Châm Bơng - Bí thư Đảng ủy xã Ia Lang, một du kích có "hạng" ở vùng Đông Nam Đức Cơ những năm 70 của thế kỷ trước này".
      Rơ Châm Bơng - một cái tên vừa quen vừa lạ mà Phó Sư đoàn trưởng Trọng giới thiệu, hình như tôi đã gặp ở đâu đó rồi. Tôi thoáng lục vấn tâm trí mình nhưng không thể nào nhớ ra. Thế là tôi nhìn thẳng vào gương mặt bầu bầu màu bánh mật có đôi mắt nâu chân thật như cây rừng, đá núi của Bơng và vội hỏi: Đồng chí Bơng là du kích Làng Dịt Phàng năm 1972 phải không? "Đúng! Đúng rồi mà!" - Bơng nói như khẳng định. Vậy hồi đó Bơng còn nhớ làng mình có cậu bé khoảng 13, 14 tuổi đánh địch giỏi hung không? Bơng còn đang ngây người nhìn tôi như dò hỏi: "Anh là ai mà biết cậu bé ấy" thì Chủ tịch xã Nguyễn Xuân Tứ đã mau mắn cho mọi người biết: "Rơ Châm Bơng chính là cậu bé ấy đấy các anh à!". Thế là từ sâu thẳm tâm khảm mình những ký ức về Bơng cứ tự nhiên ùa đến trong tôi.
      Hồi ấy (đầu tháng 12-1972), quân đoàn 2 quân đội Sài Gòn ở Plei Ku huy động 2 trung đoàn bộ binh (41, 45), 2 liên đoàn biệt động quân, 6 chi đoàn tăng thiết giáp, 20 khẩu pháo 105mm, 155mm, 5 tiểu đoàn bảo an, 11 đại đội dân vệ, được máy bay các loại yểm trợ mở cuộc hành quân đánh chiếm các mục tiêu trên đường 19 Tây (đoạn Thanh An tới Đức Cơ). Qua hơn nửa tháng ồ ạt tiến công "tái chiếm thắng lợi" Thanh Giáo, Phước Thiện, Chư Bồ, Đức Cơ, bộ tư lệnh quân đoàn 2 do tướng Nguyễn Văn Toàn chỉ huy tiếp tục liều lĩnh dùng máy bay lên thẳng chở hai tiểu đoàn 11 và 22 biệt động quân đổ sâu vào hậu phương ta, cách Thanh Giáo, Đồn Tầm về phía Tây Nam từ 10 đến 15km, nhằm truy quét đối phương ra khỏi vùng chiến thuật lợi hại này.
      Lúc đó, mặc dù các đơn vị của Sư đoàn gặp nhiều khó khăn do 8 tháng chiến đấu liên tục từ Kon Tum đến Gia Lai, quân số hao hụt chưa kịp bổ sung, trang bị thiếu thốn, sức khỏe giảm sút (có đại đội chỉ còn chưa đầy một chục tay súng). Nhưng với tinh thần tích cực, chủ động, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Sư đoàn vẫn nhanh chóng xốc lại đội hình, đề ra phương châm chiến đấu “tập trung lực lượng đánh có trọng điểm tiêu diệt từng bộ phận, khi có thời cơ sẽ phát động tiến công toàn tuyến thu hồi phần đất vừa bị địch lấn chiếm”.
      Vì thế, khi địch đưa hai tiểu đoàn đổ bộ vào sâu hậu phương ta, Bộ Tư lệnh Sư đoàn quyết định giao cho Trung đoàn 48 đang củng cố ở Tây Nam Thanh Giáo 5km (khu Nhà Lá) triển khai đội hình đón chặn tiêu diệt tiểu đoàn 22 biệt động quân, quyết đánh bại ý đồ thâm hiểm của địch. Trong cuộc hội ý với cán bộ cấp trưởng tiểu đoàn, đại đội trên thực địa chuẩn bị đánh chặn của Trung đoàn 48, Trung đoàn trưởng Trần Ngọc Chung giao nhiệm vụ cho các đơn vị: Tiểu đoàn 1 (Đống Đa) do Tiểu đoàn trưởng Lô Quang Bình chỉ huy, sẽ là lực lượng chủ yếu đón chặn địch ở Tây khu Nhà Lá l,5km. Tiểu đoàn 2 (Thanh Lũng) do Tiểu đoàn trưởng Trần Văn Thân chỉ huy, là lực lượng thứ yếu bố trí ở Nam Nhà Lá 2km. Khi dịch vào đúng phương án, Tiểu đoàn 1 nổ súng, chắc chắn chúng sẽ chạy về hướng Tiểu đoàn 2. Tiểu đoàn 2 đánh hất chúng trở lại cùng Tiểu đoàn 1 tiêu diệt. Các mũi tiến công chú ý kết hợp với du kích địa phương về đường hướng vận động truy kích địch...
      Chiều ngày 20-12, tiểu đoàn 22 biệt động quân về đến điểm cao 400 (Nam Thanh Giáo 6km) những tưởng đã thoát thân, nào ngờ sa vào trận địa phục sẵn của Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 48. Sau khi cho trinh sát nắm chắc đội hình địch, Tiểu đoàn trưởng Lê Quang Bình phát lệnh cho các trận địa hỏa lực cối, ĐKZ, 12,/mm nổ súng mãnh liệt vào đội hình địch, chi viện đắc lực cho bộ binh xung phong. Lợi dụng pháo ta bắn, các hướng, mũi khép dần đội hình bủa vây đột phá chúng. Hiệp đồng chặt chẽ với Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2 được du kích hỗ trợ, từ phía Nam cũng đánh thốc lên.
      Trước nguy cơ bị tiêu diệt, tiểu đoàn 22 hốt hoảng xin cứu viện khẩn cấp. Nhưng quân viện đường bộ không thể đến được. Suốt đêm 20 cho tới sáng ngày 21 chúng cho đủ loại máy hay và các trận địa pháo từ Thanh Bình, Đồn 30 bắn như đổ đạn vào khu vực này. Sau đó chúng cho hàng chục máy bay trực thăng HU.1A lên bốc tiểu đoàn 22. Các trận địa súng máy phòng không 12,7mm của ta đánh trả mãnh liệt, trong vòng một giờ bắn rơi 5 máy bay, làm tiêu tan ý đồ bốc quân bảo vệ lực lượng của địch. Đồng thời, các mũi đột kích của 1 Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2 liên tục xung phong chia cắt từng cụm địch để diệt.
      Trên đường truy kích, các chiến sĩ Tiểu đoàn 1 và các khâu đội hỏa lực ĐKZ, 12,7mm phôi thuộc rất ngạc nhiên khi gặp một em nhỏ người địa phương ôm khẩu súng AR15 cao quá đầu, mắt rực lửa nhìn về phía địch. Các chiến sĩ hỏi em đi đâu? Em cười rồi vỗ vào khẩu súng và chỉ về hướng địch. Em tên là Rơ Châm Bơng - một trong những đội viên nhỏ tuổi nhất (14 tuổi) trong đội du kích làng Gào, xã E3, huyện 5 (nay là xã Ia Lang, huyện Đức Cơ). Vì vậy mà em ít khi được vào các tổ cơ động chiến đấu của đội du kích. Ngày 21-12, khi biết tin địch hành quân càn quét qua làng, thấy các tổ du kích cơ động chuẩn bị phối hợp với bộ đội đánh giặc, em năn nỉ xin đội trưởng được hai trái lựu đạn rồi lặng lẽ ra ngã ba đầu làng phục kích. 10 giờ sáng hôm sau (22-12) một tóp địch bị bộ đội ta truy đuổi dựa vào vạt rừng tháo chạy thục mạng về hướng em. Bình tĩnh đợi cho chúng đến đúng tầm rồi chụm lại, em mới tung lựu đạn diệt và làm bị thương 3 tên, thu 2 súng. Nghe tiếng lựu đạn nổ, các chiến sĩ lao đến thì cũng vừa lúc em thu súng trở về...
      “Đấy chỉ là một trong những chiến công điển hình của Rơ Châm Bơng mà các chú, các anh đã “mục sở thị” - Chủ tịch xã Nguyễn Xuân Tứ bỗng đứng dậy tiếp lời chúng tôi. Nhân dịp này - Tứ nói tiếp - với tư cách là cán bộ xã, từng có thời gian được phân công ghi chép những chiến công của Đội du kích xã Ia Lang trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tôi xin được thông báo thêm một số thành tích xuất sắc mà đồng chí Bơng đã lập được có liên quan tới các hoạt động chiến đấu của Sư đoàn 320, để qua đó “Tổ biên soạn hồi ký lịch sử 65 năm Đại đoàn Đồng Bằng” biết thêm về độ dày chiến công của một thiếu niên người dân tộc Jrai với lòng căm thù giặc sâu sắc (bà ngoại bị bom đạn Mỹ giết hại, chị gái bị lính ngụy hãm hiếp, nhà cửa bản làng, nương rẫy nhiều lần bị giặc đốt phá), ý chí chiến đấu cao, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng quê hương đất nước.
      Đó là thành tích hai trận chiến đấu được thực hiện trong ngày 23-12 (sau chiến thắng vang dội tiêu diệt gọn tiểu đoàn 22 biệt động quân một ngày) của Tiểu đoàn 12 bộ đội địa phương được du kích các xã E2, E3, E4 hỗ trợ truy kích tàn binh tiểu đoàn 11 biệt động quân (đổ bộ vào sâu hơn tiểu đoàn 22 gần 5km). Trận chiến đấu sáng sớm, Rơ Châm Bơng cùng Kpui Thi (Xã đội phó) phục kích tại suối Ia Blong (Tây làng Gào 500m). Với kinh nghiệm phục kích khôn khéo, hai người để cho địch vào thật gần mới táo bạo bật dậy nổ súng, ném lựu đạn tiêu diệt gọn tiểu đội địch (trong đó Kpui Thi công nhận Bơng diệt 3 tên, thu 2 súng AR15). Trong trận đánh buổi chiều, nhiệm vụ chính của Bơng và Rơ Lan Pôk (Trung đội trưởng du kích) là dẫn đường cho đại đội bộ binh (Tiểu đoàn 2 Thanh Lũng Trung đoàn 48) bao vây tiến công đại đội địch (thiếu) đang co cụm ở bãi cỏ tranh gần suối Ia Krum làng Yẽh chờ quân đến cứu viện. Khi bộ đội tiến công địch, Bơng đã tìm cho mình một chỗ phục kích lợi hại. Mặc dù bị thương vào mặt do mảnh đạn M79 của chúng bắn dọn đường, nhưng Bơng vẫn chờ cho ba tàn binh địch chạy đúng vào tụ thủy có vách bò dựng đứng mới tung lựu đạn diệt 2 tên, thu 2 súng AR15. Chiến công này được cán bộ trung đội trinh sát Tiểu đoàn Thanh Lũng công nhận và khen ngợi. Trước đó, tháng 10-1969 (cho phép tôi lùi thời gian một chút), khi mới 11 tuổi, Bơng đã được đi theo Kpuih Te (Tiểu đội trưởng du kích xã) đến đầu nguồn suối Ia Grăng (gần xã Gào, thành phố Plei Ku hiện nay) để gài mìn diệt địch. Cũng trong ngày hôm đó, một đại đội Mỹ - Ngụy (hỗn hợp) cơ động ra trận địa mai phục bộ đội đặc công ta hoạt động, vướng ba quả mìn nổ phá hủy 1 xe M113, diệt và làm bị thương 12 tên (có 5 lính Mỹ)...
      Với những chiến công đã lập được (đặc biệt là năm 1972), đầu tháng 3-1973, Rơ Châm Bơng được xã cử đi dự Đại hội Chiến sĩ thi đua cấp huyện. Tại đại hội, các đồng chí Kpah Phák - Bí thư Huyện ủy, Lơ - Huyện đội trưởng, Siu Tem - Huyện đội phó đã tuyên dương Rơ Châm Bơng là dũng sĩ diệt Mỹ - Ngụy. Giữa tháng 4-1973, Rơ Châm Bơng được huyện bình chọn đi dự Đại hội Chiến sĩ thi đua Mặt trận Tây Nguyên. Trong thời gian (1973) và sau này, Rơ Châm Bơng vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Ba, 1 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, 1 danh hiệu Chiến sĩ thi đua. Sau Đại hội Mặt trận Tây Nguyên, Rơ Châm Bơng được đi học văn hóa tại Trường phổ thông Ama Trang Long.
      Hòa bình thống nhất Tổ quốc, Rơ Châm Bơng được về quê nhà công tác. Từ năm 1976 đến nay, được Đảng và nhân dân giao giữ các vị trí trưởng thôn, cán bộ văn phòng Đảng ủy xã đến các cương vị chủ chốt như Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, Huyện ủy viên - Bí thư Đảng ủy xã. Ở cương vị nào, anh cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ góp phần cùng Đảng hộ, quân và dân các dân tộc xã Ia Lang thu được những thành tựu quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội trong công cuộc đổi mới, phát triển, luôn xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng năm xưa.
 

CHIẾN THẮNG ĐỨC CƠ 1972 - MỘT THÀNH CÔNG XUẤT SẮC VỀ PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH ĐIỂM, DIỆT VIỆN
 
TRẦN TIẾN HOẠT
      Sau hai tháng hoạt động tổng hợp bằng ba mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận) của quân dân Tây Gia Lai giành thắng lợi (loại khỏi vòng chiến đấu 2 tiểu đoàn bảo an, 6 đại đội dân vệ, phá rã 9 khu dồn “ấp chiến lược”, đưa gần 10.000 dân hai huyện 4, 5 ngụ dọc hai bôn đường 19 (Hòn Rồng - Đức Cơ), đường 14 (Hòn Rồng - Phú Nhơn) ra vùng giải phóng và về buôn làng cũ làm ăn). Giữa tháng 9-1972, Bộ Tư lệnh Mặt trận đường 19 Tây[1] dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, tiếp tục tổ chức lực lượng bộ đội chủ lực (Sư đoàn 320, các đơn vị Mặt trận phối thuộc), bộ đội địa phương (Tiểu đoàn 12 tỉnh, 2 đại đội huyện) khẩn trương mở đợt tiến công quân sự mới, nhằm đánh bại cuộc hành quân “tái chiếm” các khu vực vừa mất của chiến đoàn 22 và một bộ phận (trung đoàn thiếu) của sư đoàn 23 thuộc quân đoàn 2 quân đội Sài Gòn.
      Với chủ trương nắm chắc âm mưu thủ đoạn của địch (bắt đầu huy động lực lượng lớn giải tỏa khai thông một số điểm trên đường 19 Tây để thiết lập lại bàn đạp tiến công ra vùng giải phóng vừa tiêu diệt lực lượng cách mạng, vừa không chế hành lang vận chuyển chiến lược Trường Sơn của ta), và căn cứ thực lực của các đơn vị (qua 6 tháng chiến đấu liên tục từ Kon Tum tới Gia Lai, quân số tuy bị hao hụt nhiều, mỗi đại đội bộ binh chỉ còn trên dưới 30 tay súng), địa bàn hoạt động rộng từ Tây Gia Lai tới Bắc Đắk Lắk, nhưng ý chí chiến đấu của bộ đội rất tốt, sẵn sàng nhận và hoàn thành bất cứ nhiệm vụ gì trên giao. Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường 19 Tây sau khi cân nhắc kỹ các mặt (nhất là một số vị trí chiến thuật trọng yếu trên đường 19) đã chọn căn cứ biên phòng Đức Cơ (cách thị xã Plei Ku hơn 50km về phía Tây Nam) làm mục tiêu then chốt của đợt hoạt động. Đồng thời, trong cuộc họp thông qua phương án tiến công Đức Cơ (một căn cứ có hệ thống lô cốt, hầm ngầm, giao thông hào liên hoàn bằng bê tông kiên cố vững chắc, có sân bay dã chiến rộng, máy bay C130 có thể hạ cánh được), Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường 19 Tây nhất trí chọn phương pháp “vây điểm, diệt viện” dài ngày, nghĩa là dùng một lực lượng nhất định (Tiểu đoàn bộ binh 631 Mặt trận Tây Nguyên), Tiểu đoàn 2 bộ binh (Sư đoàn 470 bộ đội Trường Sơn phôi thuộc) vây ép Đức Cơ, khiến địch phải đưa lực lượng ra giải tỏa để các đơn vị cơ động (Trung đoàn 64 Sư đoàn 320, Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 400 Mặt trận) của ta tiêu diệt. Chừng nào, địch trong căn cứ chống cự mệt mỏi căng thẳng, tinh thần rã rời, lực lượng bên ngoài ứng cứu đuối sức thì ta sẽ tập trung lực lượng mạnh tiến công dứt điểm, sử dụng phương án này “Sư đoàn (Sư đoàn 320 lực lượng chủ yếu của Mặt trận Đường 19 Tây) khai thác được mặt mạnh của một thế trận đã bày sẵn; địa hình làm chủ dễ cơ động và khi cần thiết có thể tập trung lực lượng đánh những đòn tiêu diệt. Nếu nôn nóng dốc sức vào dứt điểm Đức Cơ nhanh thì sau đó sẽ không còn lực lượng đối phó với các đơn vị đi giải tỏa của địch[2]".
      Phương châm hoạt động tác chiến trên được Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên chấp thuận và chỉ đạo các đơn vị thực hiện. Trung tuần tháng 9-1972, trong khi Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường 19 Tây đang điều động hai tiểu đoàn 631, 2 triển khai trận địa vây hãm Đức Cơ do tiểu đoàn 81 biệt động quân chốt giữ (từ hai hướng Tây và Đông Bắc) thì ngày 26-9, bộ chỉ huy quân đoàn 2 địch cho chiến đoàn 22 dùng trực thăng vận đổ bộ tiểu đoàn 62 biệt động quân xuống đồi Chư Bồ (một vị trí chiến thuật lợi hại phía Đông Đức Cơ 3km) nhằm khai thông đoạn đường 19 từ Thanh Giáo lên ngã ba Phước Thiện, bảo đảm chi viện bằng đường bộ. Tiếp theo đó (2-10), địch đổ bộ tiểu đoàn 82 biệt động quân xuống đồi Phượng Hoàng (Tây Đức Cơ 4km) thiết lập bàn đạp từ hai hướng Đông, Tây đánh vào sau lưng và hai bên sườn quân ta đang vây ép. Để chắc ăn hơn, bộ chỉ huy quân đoàn 2 còn lệnh cho chỉ huy chiến đoàn 22 do trung tá Lê Chữ - chiến đoàn trưởng, đổ bộ xuống Đức Cơ để trực tiếp chỉ huy lực lượng phòng thủ và lực lượng giải tỏa “quyết bảo vệ bằng được địa bàn chiến lược Tây Nam Plei Ku” và “tận diệt quân cộng sản đang mạo hiểm lao vào chiến lũy thép” này.
      Do lường định khá đúng “đường đi, nước bước” của địch, nên chỉ sau ba ngày chỉ huy chiến đoàn 22 cho tiểu đoàn 82 biệt động quân đổ bộ xuống đồi Phượng Hoàng (một vị trí nằm khá sâu trong vùng giải phóng), chúng đã bị lực lượng cơ động của ta bao vây không thể thực hành “giải tỏa”. Ngày 8-10, khi cán bộ chỉ huy và trinh sát nắm chắc đội hình bố phòng của tiểu đoàn địch, hiệp đồng xong công tác chiến đấu tại thực địa, Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường 19 Tây cho Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 400), mũi chủ yếu (Bắc, Đông Bắc), Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 64), mũi thứ yếu (Nam, Đông Nam) tiến công tiêu diệt địch. Được hỏa lực Sư đoàn chi viện, ngay từ nửa giờ đầu, hai tiểu đoàn 3 và 8 đồng loạt xung phong đánh trúng sở chỉ huy tiểu đoàn 82 và 2 đại đội địch. Như rắn mất đầu, đại đội địch còn lại phá chạy tán loạn về hướng Đức Cơ. Sau gần 2 giờ chiến đấu dũng mãnh, quân ta đã làm chủ đồi Phượng Hoàng, diệt và bắt 150 tên, thu nhiều súng đạn.
      Tiểu đoàn 82 bị loại khỏi vòng chiến đấu nhanh chóng làm cho chỉ huy chiến đoàn 22 rất cay cú. Như một con bạc khát, ngày 14-10 chúng liều lĩnh ném tiểu đoàn 80 xuống tỉnh lộ 15 (Bắc Chư Bồ 3km) lập bàn đạp đánh vào sau lưng trận địa vây lấn Đức Cơ của ta. Hiểu rõ âm mưu và hành động mạo hiểm của địch, Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường 19 Tây hạ lệnh cho Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 400) và Tiểu đoàn 631 (để lại một đại đội chốt giữ trận địa vây lấn) cơ động vây đánh ngay khi chúng chưa kịp triển khai đội hình chiến đấu. Được pháo cối của trên chi viện, hai tiểu đoàn của ta bí mật dâng cao đội hình, đồng loạt tiến công phân chia tiêu diệt từng đại đội địch. Bị vây đánh quyết liệt từ nhiều phía, tiểu đoàn 80 biệt động quân khiếp sợ, lùi dần tìm địa thế co cụm chống đỡ. Ngày hôm sau, mặc dù được phi pháo đánh ồ ạt “làm tường” đỡ đạn, nhưng chúng vẫn không thể nào trụ nỗi, đành phải tháo chạy về căn cứ Chư Nghé, một số tên luồn lách vào được Chư Bồ cùng tiểu đoàn 62 canh giữ đường 19 nối thông với Đức Cơ.
      Việc chiến đoàn 22 bị đánh thiệt hại nặng và có nguy cơ bị tiêu diệt trên chiến tuyến được mệnh danh “bất khả chiến bại” không chỉ làm chiến đoàn trưởng Lê Chữ bàng hoàng khiếp đảm, mà còn làm cho bộ chỉ huy quân đoàn 2 lo ngại, lúng túng. Rõ ràng tuần trước, mới phát hiện được ta gia tăng áp lực vây ép Đức Cơ (chủ yếu là pháo cối nhỏ và bắn tỉa), Lê Chữ còn tỉnh táo hò hét lực lượng tại chỗ đánh trả “kiên quyết kìm chặt chân chúng lại để lực lượng cơ động lên giải tỏa tiêu diệt”. Vậy mà hôm nay, khi tất cả các đơn vị dưới quyền chỉ huy của Chữ đã được ném vào cuộc chiến mà vẫn không xoay chuyển được tình thế, lại còn bị đánh tả tơi, hao tổn nặng nề, thì trọng trách “giữ vững và ổn định khu vực đã là không thể. Chữ liên tục điện về Plei Ku xin “lực lượng ứng cứu” hoặc cho “rút bỏ căn cứ Đức Cơ để bảo toàn quân số còn lại. Sau khi chấn chỉnh “sĩ khí thất thường” của người cầm đầu chiến đoàn và bắt Chữ phải "tử thủ", bộ chỉ huy quân đoàn 2 cũng chấp thuận sẽ cho quân tăng viện.
      Giữ đúng lời hứa với hạ cấp, ngày 21-10, bộ chỉ huy quân đoàn 2 cho liên đoàn 2 biệt động quân (gồm ba tiểu đoàn 22, 23, 63) được trực thăng vận cấp tốc lên vùng chiến Đức Cơ, đồng thời cho trung đoàn 53 (thiếu) sư đoàn 23 đánh phá trận địa chốt cắt đường của Trung đoàn 48 ở Bầu Cạn (đường 19), Phú Mỹ (Đường 14) và vùng giải phóng Đông huyện 5 để kéo giãn lực lượng ta trên khu vực trọng điểm. Tại các điểm đổ quân ứng cứu (tiểu đoàn 23 xuống Phượng Hoàng, tiểu đoàn 22 xuống O Gia Tào (giáp biên giới Việt Nam - Campuchia) chỉ huy liên đoàn 2 biệt động quân tiếp tục nuôi tham vong vừa đánh vào sau lưng trận địa vây ép của ta, vừa tìm phá kho tàng uy hiếp đường vận chuyển chiến lược, nhằm nới rộng vòng vây căn cứ Đức Cơ.
      Với kinh nghiệm tác chiến đánh bại chiến đoàn 22 Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường 19 Tây (sau khi nắm chắc mọi diễn biến của địch) đã chỉ đạo các đơn vị tập trung lực lượng đánh mạnh vào hai tiểu đoàn (22, 23),-không cho chúng cụm lại, hoặc tìm cách vào Đức Cơ. Chấp hành mệnh lệnh của trên, Ban chỉ huy Trung đoàn 64 do Trung đoàn trưởng Khuất Duy Tiến và Chính ủy Đinh Thế Mỹ chỉ huy, lập tức điều động hai tiểu đoàn (8, 3) bao vây tiến công liên tục tiểu đoàn 23 ngay khi chúng mới để bộ xuống đồi Phượng Hoàng. Bị đánh thiệt hại nặng, số binh sĩ còn lại bỏ mặc đồng bọn bị thương vong, cố né tránh các trận địa đón lõng của ta, tìm đường luồn lách về Nam Đức Cơ. Tiểu đoàn 22 mới đặt chân xuống O Gia Tào, chưa kịp triển khai đội hình chiến đấu cũng đã bị Tiểu đoàn 50 (Cục Hậu cần Mặt trận) và các phân đội công binh đường chiến lược Trường Sơn vây đánh quyết liệt, phải gọi máy bay bắn phá yểm trợ để tháo chạy về co cụm với tàn binh tiểu đoàn 23. Nhưng chúng chạy tới đâu cũng bị đánh, ngả nào cũng bị diệt. Tối 26-10, số tàn binh của hai tiểu đoàn kể trên mất sức chiến đấu nặng nề, bất chấp lệnh “co cụm chờ quân tăng viện” của chỉ huy liên đoàn 2 biệt đọng quân, tự động rút về Chư Bồ và ngã ba Phước Thiện.
      Sự chiến bại nặng nề của liên đoàn 2 biệt động quân đã dập tắt niềm hy vọng cuối cùng vào quân ứng cứu của chỉ huy chiến đoàn 22 và bộ chỉ huy quân đoàn 2 Sài Gòn. Vì thế, lực lượng địch trong căn cứ Đức Cơ không những không được giải tỏa, nới lỏng mà ngày càng bị vây ép mạnh. Đường bộ, đường không cũng bị chia cắt và bị không chế chặt, làm cho lính chết và bị thương ùn ứ lại. Lương ăn, nước uống cạn dần, thiếu thốn đủ thứ. Nhật ký của Lê Chữ (31-10) thể hiện sự khôn cùng của binh sĩ địch: “Lương khô hành quân còn 478 khẩu phần, gạo còn 2 bao (mỗi bao 45kg). Ngày mai không được viện thì lấy gì ăn? Chiến trận thật dai dẳng, khốc liệt và tuyệt vọng..."[3].
Nắm bắt tình hình diễn biến và chiều hướng thuận lợi ngày 27-10, Bộ chỉ huy Mặt trận Đường 19 Tây chỉ đạo các đơn vị trên khu vực trọng điểm (chủ yếu là Trung đoàn 64, Tiểu đoàn 631, Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 400 - đơn vị vừa thay thế nhiệm vụ vây lấn của Tiểu đoàn 2 Sư đoàn 470) xem xét thời cơ tiến công dứt điểm mục tiêu then chốt. Theo đó, chỉ đạo Trung đoàn 48 hoạt đông ở Đông huyện 5 tăng cường đánh cắt giao thông đường 19, đường 14 kìm chân trung đoàn 53 không cho chúng ứng cứu khu vực trọng điểm. Với tinh thần nhạy bén, quyết đoán, sau khi cân nhắc kỹ mọi vấn đề (ta, địch), các đơn vị trực tiếp chiến đấu nhất trí với quyết tâm của trên và khẩn trương triển khai phương án tiến công giải phóng căn cứ Đức Cơ.
      Sáng 1-11, giữa lúc Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường 19 Tây đang kiểm tra. lần cuối các mũi, hướng tiên công thì đúng 11 giờ, tiểu đoàn 63 - đơn vị cuối cùng của liên đoàn 2 biệt động quân đổ bộ xuống điểm cao 412 (Đông Bắc Đức Cơ 4km). Phán đoán ý đồ địch đổ quân xuống đây để liên kết với tiểu đoàn 62 (chiến đoàn 22) chốt giữ Chư Bồ, từ đó phối hợp triển khai đội hình đánh vào sau lưng trận địa vây lấn Tiểu đoàn 631. Song vì “lạ nước lạ cái”, tư tưởng chiến bại tràn lan, nên chúng còn phải thăm dò, chưa dám hành động ngay. Do đó, Bộ chỉ huy Mặt trận Đường 19 Tây vẫn chỉ thị cho các đơn vị nổ súng đúng thời gian quy định. Để đề phòng bất trắc! Bộ Tư lệnh cũng cho Trung đoàn 64 (thiếu Tiểu đoàn 8) cơ động vây diệt tiểu đoàn này.
      Đúng 14 giờ ngày 1-11-1972, mặc cho máy bay các loại của địch gầm thét, quần đảo ném bom bắn phá ác liệt các tuyến vây ép của ta, gây thương vong cho một số cán bộ, chiến sĩ, Bộ Tư lệnh Mặt trận vẫn cho các đơn vị tiến công. Hướng chủ yếu, được hai trận địa hỏa lực cối 120mm và 160mm (Tiểu đoàn 47 pháo binh Mặt trận) bắn phá hoại mục tiêu và ghìm đầu quân địch, Tiểu đoàn 631 cho các tổ công binh dùng mìn định hướng ĐH 35 và bộc phá mở cửa. Cửa mở đến đâu bộ binh ta áp sát đến đó. Tuy nhiên, do địch ở hầm ngầm, lô cốt đã đề phòng hướng này và đồng bọn ở Chư Bồ dựa vào thế cao dùng hỏa lực ĐKZ 57mm, cối 81mm khống chế quyết liệt nên tốc độ phát triển rất chậm. Hướng thứ yếu, lợi dụng pháo ta bắn, chỉ huy Tiểu đoàn 3 cho Đại đội 1 xung phong đánh chiếm hai tuyến vành ngoài căn cứ. Sau đó tạm dừng củng cố đội hình (do bị hao hụt), để từ đó triển khai đột phá tiếp.
      Trận đánh trên toàn tuyến kéo dài suốt đêm. Địch dùng máy bay B52, B57 đánh phá chồng chéo hàng chục lần khu vực phía Tây và Đông Bắc căn cứ. Đèn dù đủ loại liên tục được phi pháo thả xuống hoặc bắn lên sáng rực như ban ngày nhằm khống chế hành động tiến công của quân ta. Quyết không để trận đánh kéo dài sang ngày hôm sau, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 3 Tạ Quang Điều quyết tổ chức Đại đội 2 đột phá các ổ nhóm địch chốt giữ tiền tiêu. 5 giờ sáng ngày 2-11, Đại đội 2 vừa phá xong cửa mở và đánh chiếm được khu vực đầu cầu, Đại đội 1 đã bật dậy đánh thẳng vào bên trong. Càng phát triển vào sâu, trận đánh càng diễn ra quyết liệt. Có chỗ ta và địch giành đi giật lại từng căn hầm, đoạn hào. Địch như con thú cùng đường, điên cuồng chống cự. Tiểu đoàn 631, mặc dù bị thương vong hàng chục cán bộ chiến sĩ, nhưng được sự hỗ trợ đắc lực của 1 Tiểu đoàn 3, đã đồng loạt xung phong mở cửa, rồi nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu được phân công, cả cánh cung hầm ngầm lô cốt, giao thông hào kiên cố dài va rộng hàng trăm mét bị quân ta khống chế, đột phá tiêu diệt.
      Biết không thể trụ bám nổi, lợi dụng lúc trời còn mù sương, chiến đoàn trưởng Lê Chữ cùng ban chỉ huy tiểu đoàn 81 lặng lẽ rời bỏ căn cứ đang hỗn loạn, tháo chạy về ngã ba Phước Thiện. Số còn lại do đại úy Võ Lý chỉ huy vừa chống cự vừa rút lui theo cổng chính ra sân bay để chạy về Chư Bồ. Nhưng chúng đã sa vào trận địa phục kích của Đại đội 10 (Tiểu đoàn 631) ở Bắc sân bay và bị tiêu diệt gần hết. Đến 14 giờ ngày 3-11-1972, toàn bộ khu vực Đức Cơ, Chư Bồ đã được giải phóng.
      Trải qua 47 ngày đêm (16.9 -3.11.1972) liên tục chiến đấu, quân và dân ta trên Mặt trận Đường 19 Tây nói chung, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 320 nói riêng đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ, ác liệt, hy sinh, diệt và loại khỏi vòng chiến đấu 2.100 tên địch; làm tan rã chiến đoàn 22 (có 2 tiểu đoàn 62, 81 bị thiệt hại nặng)- đập tan ý đồ phản kích ứng cứu của liên đoàn 2 biệt động quân; thu và phá hủy 250 súng các loại (có 2 khẩu 150mm, 3 khâu ĐKZ 106,7mm), 41 máy vô tuyến điện; bắn rơi 9 máy bay, bắn cháy 10 xe quân sự (có 1 xe tăng M41, một xe Ml 13).
Chiến thắng Đức Cơ - Tây Gia Lai biểu hiện sự kiên trì, bền bỉ trong cuộc đấu trí, đấu lực rất căng thẳng giữa ta và địch; minh chứng tài nghệ chỉ huy, tính quyết đoán cao, chính xác, kịp thời, xử trí các tình huống linh hoạt, sáng tạo của tập thể lãnh đạo, chỉ huy các cấp từ Mặt trận, Sư đoàn đến lực lượng vũ trang địa phương trong đợt hoạt động quân sự đánh địch dài ngày. Trong đó nổi bật các bài học về tạo lập thế trận vây điểm kéo địch ra; sử dụng và tập trung lực lượng mạnh khi cần thiết để tiêu diệt những bộ phận ứng cứu quan trọng; thường xuyên gây hoang mang rối loạn khiến cho địch phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác. Và, khi thời cơ xuất hiện đã tập trung mọi cố gắng tiến công dứt điểm mục tiêu then chốt quyết định, kết thúc đợt hoạt động.
      Thành quả của chiến thắng Đức Cơ năm 1972, không chỉ khẳng định sức mạnh to lớn, ý chí quyết tâm chiến đấu cao kiên quyết giữ vững vùng giải phóng, bảo vệ vững chắc hành lang vận chuyển chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh (đoạn biên giới Gia Lai, Đắk Lăk), phá vỡ mắt xích phòng thủ cửa ngõ phía Tây thị xã PleiKu, uy hiếp nghiêm trọng bộ chỉ huy quân đoàn 2 (quân khu 2) Sài Gòn, mà còn tạo thêm niềm tin cho quân và dân ta trên chiến trường Nam Tây Nguyên mở rộng thế trận mới tiếp tục tiến công tiêu diệt địch.

 
 
 
 

[1] Đầu tháng 7-1972, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường 19 Tây, gồm Bộ Tư lệnh Sư đoàn 320, cán bộ lãnh đạo chủ chốt tỉnh Gia Lai và hai huyện 4, 5 do Sư đoàn trưởng Kim Tuấn làm Tư lệnh, Chính ủy Phí Triệu Hàm làm Bí thư Đảng ủy.
[2] Sư đoàn Đống Bàng Binh đoàn Tây Nguyên, tập 3, Nxb Quân đội nhân dân, H.1984, tr. 199
[3] Sư đoàn Đồng Bằng..., Sđd, tr. 203

Other


Thông tin bản quyền

Cơ quan: huyện Đức Cơ - tỉnh Gia Lai
Địa chỉ: Thị trấn Chư Ty - Huyện Đức Cơ - tỉnh Gia Lai
Điện thoại: (0269) 3846107 - Fax: (0269) 3846428 - Email:ubndducco@gialai.gov.vn
Người chịu trách nhiệm:
Lê Văn Thịnh - Chánh Văn phòng HĐND & UBND huyện Đức Cơ
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 23 tháng 5 năm 2018  của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
handle_cert.png