CHUYÊN MỤC

XIN CHÀO, XIN LỖI, XIN CẢM ƠN VÀ XIN PHÉP LÀ CHUẨN MỰC GIAO TIẾP, ỨNG XỬ CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC

11/07/2023
Thưa quý vị và các bạn! Cuối năm 2019, Đề án văn hóa công vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1847/QĐ-TTg. Một trong những nội dung của Đề án này là chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, khi giao tiếp với người dân, cán bộ, công chức, viên chức phải luôn tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân. Đặc biệt công chức phải thực hiện “4 xin” gồm: Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn và xin phép. Việc thực hiện nghiêm chỉnh nguyên tắc “4 xin” nêu trên thể hiện sự lịch sự, thái độ tôn trọng của cán bộ, công chức, viên chức đối với người dân, doanh nghiệp khi tiếp xúc công việc.
Untitled.png
Ảnh minh họa
Cũng theo Đề án văn hóa công vụ, bên cạnh luôn xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn và xin phép, cán bộ, công chức, viên chức phải luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe và luôn giúp đỡ khi tiếp xúc với người dân và doanh nghiệp. Nguyên tắc này được đưa vào Đề án văn hóa công vụ với mục đích loại bỏ thói cửa quyền, hách dịch của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức. Theo Nghị định 34/2011/NĐ-CP và Nghị định 27/2012/NĐ-CP, công chức, viên chức có thái độ hách dịch, cửa quyền hoặc gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong thi hành nhiệm vụ sẽ bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
Khi thực hiện đề án văn hóa công vụ của Chính phủ đã có ý kiến cho rằng, việc yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức thực hiện “4 xin”, “4 luôn” khiến “người Nhà nước” bị giảm vị thế trong con mắt người dân. Tuy nhiên, xin thưa ngay, không những không giảm, mà ngược lại càng tăng thêm tình cảm, niềm tin của nhân dân đối với những người thực thi, thừa hành công vụ. Bởi vì, cán bộ, công chức thời nay là những người được nhân dân ủy thác quyền lực của mình để làm việc cho dân, thế nên họ phải có bổn phận, trách nhiệm phục vụ nhân dân. Một chính quyền của dân, do dân, vì dân thì nhất thiết phải lấy mục tiêu phục vụ và bảo đảm lợi ích tối cao cho dân, do đó, những “người Nhà nước” đương nhiên phải có thái độ giao tiếp, ứng xử lễ phép, đúng mực với dân. Biết nở nụ cười chào hỏi xởi lởi khi người dân đến công sở; biết nhẹ nhàng xin phép dân khi thấy cần thiết; biết nhã nhặn xin lỗi dân khi trễ hẹn giải quyết công việc cho dân; biết cảm ơn dân đã hợp tác với chính quyền vì lợi ích chung; biết lắng nghe dân bày tỏ tâm tư vướng mắc; biết giúp đỡ dân những việc hợp pháp, chính đáng là thực hiện đúng tinh thần “Dĩ dân vi bản” lấy dân làm gốc, “Dĩ công vi thượng” lấy việc công là trên hết của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện tốt những việc thường ngày này là thiết thực góp phần làm lành mạnh hóa bộ máy công quyền, qua đó củng cố, gắn kết bền chặt hơn mối quan hệ máu thịt giữa chính quyền với nhân dân.
Trong xã hội hiện đại, một phần do "thế giới ảo" chi phối, phần khác do ảnh hưởng lối sống lai căng và chủ nghĩa cá nhân “lên ngôi”, người ta hay nhắc đến “bệnh vô cảm”, bệnh “makeno” mặc kệ nó- ở một bộ phận người dân, trong đó có cả “người Nhà nước”. Thế nên, chuẩn mực văn hóa giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức thông qua thực hiện “4 xin”, “4 luôn” như một lời cảnh tỉnh, nhắc nhớ những người hoạt động trong bộ máy công quyền phải thường xuyên đặt mình vào vị trí, tâm thế, hoàn cảnh của người dân để ứng xử, đối đáp với dân sao cho phù hợp và không bao giờ được phép sống xa dân, trên dân.
Một trong những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp làm nên tính cách người Việt là phong cách ứng xử nhẹ nhàng, tinh tế. Xưa kia, ông cha ta luôn thể hiện sự nền nã, khiêm nhường, đúng mực, lễ phép khi giao tiếp với người khác. Đặc trưng cơ bản của phép giao tiếp ứng xử lịch sự là “xưng khiêm hô tôn”, nghĩa là khi xưng thì thể hiện sự khiêm nhường với người đối thoại và đề cao, tôn trọng người tiếp xúc, trò chuyện với mình. Vì thế, người cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tốt 4 xin” “4 luôn” sẽ không chỉ góp phần cải cách hành chính mà còn nâng tầm mối quan hệ gần gũi giữa cán bộ với nhân dân./.
 
 
                                                                                     Minh Châu
 

Other


Thông tin bản quyền

Cơ quan: huyện Đức Cơ - tỉnh Gia Lai
Địa chỉ: Thị trấn Chư Ty - Huyện Đức Cơ - tỉnh Gia Lai
Điện thoại: (0269) 3846107 - Fax: (0269) 3846428 - Email:ubndducco@gialai.gov.vn
Người chịu trách nhiệm:
Lê Văn Thịnh - Chánh Văn phòng HĐND & UBND huyện Đức Cơ
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 23 tháng 5 năm 2018  của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
handle_cert.png