Dự lễ khai mạc, về phía Trung ương có các đồng chí: Trương Hòa Bình-Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Phan Xuân Dũng-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Trần Văn Tùng-Thứ trưởng Bộ KH-CN cùng lãnh đạo một số bộ, ngành. Về phía tỉnh Gia Lai có các đồng chí: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Tham dự lễ khai mạc còn có lãnh đạo tỉnh Phú Yên, Kon Tum; lãnh đạo Sở KH-CN 63 tỉnh, thành phố; đại diện các Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Israel; đại diện các doanh nghiệp, tổ chức KH-CN, các viện nghiên cứu, trường đại học, các nhà khoa học, nhà tài trợ và đông đảo nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Gia Lai tự hào là đơn vị tổ chức
Trải qua 10 lần tổ chức, năm nay, sự kiện Trình diễn, kết nối cung-cầu công nghệ lần đầu tiên được tổ chức tại Gia Lai. Sự kiện gồm 10 hoạt động được tổ chức liên tục từ ngày 24 đến hết ngày 26-11.
Trong đêm khai mạc sự kiện TechDemo 2019, ngoài những tiết mục văn nghệ sôi động, các đại biểu và khán giả còn được thưởng thức màn trình diễn công nghệ Mapping-Lightinh “Chào mừng sự kiện TechDemo Gia Lai 2019”. Đặc biệt, tiết mục trình diễn chào mừng sự kiện TechDemo Gia Lai 2019 với chủ đề “Kết nối công nghệ, bắt nhịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” có nội dung trình chiếu những cảnh đẹp, những biểu tượng của các tỉnh, thành trong cả nước có đơn vị tham gia sự kiện TechDemo 2019; giới thiệu các điểm đến hấp dẫn của Gia Lai như: Biển Hồ, Thủy điện Ia Ly, Quảng trường Đại Đoàn Kết, thác Phú Cường, Biển Hồ chè, núi lửa Chư Đang Ya…
Khu vực Nam Trung bộ-Tây Nguyên nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng là mảnh đất giàu tiềm năng, còn nhiều cơ hội phát triển đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sau sự kiện này, Gia Lai sẽ là điểm kết nối cung-cầu trong nhiều lĩnh vực công nghệ và sẵn sàng đón nhận các nhà đầu tư, mở ra vận hội mới trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong tất cả các ngành nghề, lĩnh vực; coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia là chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ. Chính vì vậy, sự kiện lần này nhận được sự quan tâm rất lớn của các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương.
Phát biểu khai mạc sự kiện, Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng khẳng định: Sự kiện Trình diễn, kết nối cung-cầu công nghệ năm 2019 được tổ chức tại Gia Lai với chủ đề “Kết nối công nghệ, bắt nhịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” là một trong những hoạt động có định hướng của Bộ KH-CN nhằm thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp, các tổ chức ở khu vực Nam Trung bộ-Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung, góp phần nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các nhà khoa học ứng dụng kết quả nghiên cứu của mình vào sản xuất kinh doanh, mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiêp, từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Sự kiện này còn nhằm đẩy mạnh hợp tác, liên kết kinh tế, thương mại, đầu tư, nhất là trao đổi công nghệ giữa doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài, phát huy vai trò của doanh nghiệp trong đổi mới sáng tạo...
Đại diện tỉnh Gia Lai phát biểu chào mừng sự kiện, đồng chí Võ Ngọc Thành-Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban tổ chức sự kiện-nhấn mạnh: Tỉnh Gia Lai rất vui mừng, tự hào vì là đơn vị được tổ chức sự kiện này. Hy vọng đây sẽ là cơ hội tốt giúp cho tỉnh và các địa phương khác cùng nhau học tập, trao đổi kinh nghiệm hoạt động KH-CN; đẩy mạnh hợp tác, liên kết kinh tế, thương mại, đầu tư, nhất là trao đổi công nghệ. Tỉnh Gia Lai luôn chào đón các doanh nghiệp trong cả nước, doanh nghiệp, các tổ chức đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia tìm hiểu, đánh giá, trao đổi những công nghệ cần thiết, phù hợp tại sự kiện lần này. Qua đó, khám phá mảnh đất Gia Lai với những tiềm năng, lợi thế, con người Gia Lai mến khách, khát vọng hội nhập để phát triển. Đồng thời, Gia Lai mong muốn nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, các chuyên gia và các tổ chức khoa học, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cũng bày tỏ sự cảm ơn đến Chính phủ, Bộ KH-CN; sự phối hợp hiệu quả của các bộ, ngành Trung ương và địa phương; sự tham gia của các doanh nghiệp, các tổ chức KH-CN, các nhà khoa học trong nước và quốc tế để giúp cho chuỗi các hoạt động của sự kiện Trình diễn, kết nối cung-cầu công nghệ diễn ra thành công tốt đẹp.
Khoa học-công nghệ là động lực then chốt cho phát triển kinh tế-xã hội
Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ với những yếu tố cốt lõi là trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối-Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data). Cách mạng công nghiệp 4.0 tập trung vào nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới và công nghệ Nano. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và kỷ nguyên số không chỉ giúp tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế mà còn là cơ hội kết nối giữa con người với con người.
Phát biểu chỉ đạo tại lễ khai mạc sự kiện TechDemo 2019, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá: Hoạt động Trình diễn, kết nối cung-cầu công nghệ trong thời gian qua đã được tổ chức chu đáo, nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp và các nhà khoa học. Hoạt động trình diễn, kết nối cung-cầu công nghệ được tổ chức lần này một lần nữa khẳng định những nỗ lực và bước đi thiết thực của Bộ KH-CN trong việc nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm hàng hóa và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam dựa trên ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ. Với mục tiêu đưa KH-CN thực sự là động lực then chốt cho phát triển kinh tế-xã hội các địa phương trong cả nước, tôi mong muốn Bộ KH-CN cần có thêm nhiều giải pháp cụ thể để phát triển thị trường KH-CN ngày càng thực chất hơn nhằm nâng cao năng lực và trình độ KH-CN cho các tổ chức, doanh nghiệp. Tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa người sản xuất, doanh nghiệp, địa phương và các đơn vị nghiên cứu, đồng thời huy động được các nguồn lực khác nhau (trong và ngoài nước) hỗ trợ để thúc đẩy thương mại hóa, đưa nhanh các kết quả nghiên cứu, đổi mới công nghệ, ứng dụng những công nghệ mới, tiên tiến vào phục vụ thực tiễn sản xuất và đời sống, phát huy vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã trong đổi mới sáng tạo.
Nhân sự kiện này, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị Bộ KH-CN, các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương trong thời gian tới tập trung vào một số vấn đề trọng tâm sau: Các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong chỉ đạo phát triển KH-CN; tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế, chính sách để tăng cường ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển. Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong tiếp nhận chuyển giao công nghệ, hấp thụ và làm chủ công nghệ của doanh nghiệp. Phát triển mạnh các tổ chức trung gian của thị trường KH-CN tại các địa phương, kết nối chặt chẽ với các tổ chức KH-CN tại Trung ương, hình thành cơ sở dữ liệu chung về công nghệ, chuyên gia công nghệ phục vụ cho hoạt động kết nối cung-cầu công nghệ một cách hiệu quả và thiết thực. Mở rộng hoạt động kết nối cung-cầu công nghệ sang một số nước phát triển để tăng cường hoạt động chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên, phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương…