Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT - Ủy ban Quốc Gia về PCTT&TKCN, năm 2021 thiên tai không diễn ra khốc liệt, dị thường như năm 2020 nhưng vẫn diễn biến phức tạp, bên cạnh đó là hậu quả nghiêm trọng của đợt mưa lũ lịch sử năm 2020, nhiều khu vực chưa được phục hồi. Trong năm 2021 đã xảy ra 18/22 loại hình thiên tai, trong đó có 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; 326 trận dông, lốc, mưa lớn; 170 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; 139 trận động đất; 403 điểm/572km sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Thiên tai năm qua đã làm 108 người chết, mất tích (giảm 70% so với năm 2020), thiệt hại về kinh tế trên 5.200 tỷ đồng (giảm 87% so với năm 2020). Những tháng đầu năm 2022 với mưa lũ lớn trái mùa kèm theo dông lốc trên diện rộng cuối tháng 3 đầu tháng 4 tại các tỉnh miền Trung; rét lịch sử cuối tháng 2 ở khu vực miền núi phía bắc; động đất gia tăng cả về cường độ và tần suất tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum; bên cạnh đó ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động không nhỏ đến các hoạt động PCTT.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai
Tại tỉnh Gia Lai, trong năm 2021 diễn ra 09 đợt thiên tai gồm: Hạn vụ Đông Xuân; hạn vụ mùa; các cơn bão 5, 6, 7, 8; áp thấp nhiệt đới cuối tháng 9; 02 đợt mưa lớn cuối năm và một số đợt dông, lốc sét xảy ra cục bộ. Tuy nhiên, năm 2021 vẫn là năm tỉnh chịu thiệt hại do thiên tai thấp hơn so với những năm gần đây (tổng giá trị thiệt hại giảm 61% so với năm 2020). Năm 2021, tổng thiệt hại do thiên tai trên địa tỉnh là hơn 260 tỷ đồng, trong đó: Thiệt hại do 02 đợt hạn hán là 141 tỷ đồng với hơn 18.840ha diện tích cây trồng bị hạn; mưa dông, lốc, sét, mưa lớn, áp thấp nhiệt đới, bão làm 13 người bị thương, 326 nhà dân bị sập, tốc mái, ngập nước, hơn 1.800 ha lúa, hoa màu, cây ăn trái bị hư hỏng; nhiều tuyến đường tỉnh, huyện, xã và cầu, cống bị sạt lở, hư hỏng, tổng giá trị thiệt hại là hơn 119 tỷ đồng. Trong những tháng đầu năm 2022, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết, tình hình thiên tai đã diễn ra nghiêm trọng với những yếu tố cực đoan, bất thường chỉ trong tháng 3 và 4, tỉnh chịu ảnh hưởng của 02 đợt mưa trái mùa với tổng giá trị thiệt hại là hơn 48 tỷ đồng.
Về công tác khắc phục hậu quả thiên tai, ngay sau các đợt thiên tai, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã tổ chức nhiều Đoàn kiểm tra, đánh giá tình hình thiệt hại tại các địa phương và đề xuất các biện pháp khắc phục. UBND đã chỉ đạo các ngành và địa phương huy động, bố trí các nguồn lực tập trung khắc phục một số hạng mục, công trình nhằm đảm bảo nhà ở, giao thông đi lại; đã tổ chức san gạt các điểm sạt lở và đảm bảo giao thông, thông tuyến; đồng thời tổ chức cắm biển cảnh báo tại các khu vực nguy hiểm và các điểm bị sạt lở. Các ngành, các địa phương đã chủ động khắc phục các thiệt hại về hạ tầng, đảm bảo giao thông; phòng, chống các dịch bệnh trên người và động vật phát sinh sau bão, lũ; khẩn trương khôi phục sản xuất và ổn định đời sống nhân dân. Tổ chức phân bổ kinh phí hỗ trợ khắc phục thiệt hại sản xuất nông nghiệp do thiên tai gây trong năm 2021 với số tiền là 7,944 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương: 5,923 tỷ đồng; ngân sách địa phương: 2,021 tỷ đồng).
Trên cơ sở đánh giá những kết quả đã đạt được, chỉ ra các tồn tại hạn chế, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị các Bộ ngành, địa phương cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Đổi mới, nâng cao nâng lực công tác theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai; với phương châm “Phòng là chính, chỉ đạo từ sớm, từ xa" đề nghị triển khai ngay công tác kiểm tra, rà soát phương án, kế hoạch PCTT năm 2022 trên toàn quốc. Nâng cao chất lượng công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành, huy động tối đa lực lượng ứng phó với diễn biến thiên tai; khi có sự cố thiên tai xảy ra phản ứng nhanh chóng, kịp thời, chính xác từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là cấp ủy đảng, chính quyền và các lực lượng cơ sở cấp xã, cấp huyện đóng vai trò quyết định. Tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước, nâng cao năng lực của cơ quan chỉ đạo, chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, đảm bảo nguồn năng lực tham mưu, chỉ đạo điều hành, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trong điều kiện thiên tai ngày càng phức tạp, cực đoan. Củng cố lực lượng xung kích PCTT tại cơ sở, bên cạnh đó phải từng bước xây dựng một lực lượng chuyên nghiệp, hiện đại để ứng phó với các tình huống thiên tai phức tạp. Đẩy mạnh thông tin, truyền thông, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; đổi mới phương pháp thông tin về thiên tai đến từng người dân, tập trung tuyên truyền phổ biến kiến thức, kỹ năng ứng phó với các tình huống thiên tai, sự cố, lồng ghép nội dung PCTT vào chương trình đào tạo, giảng dạy trong nhà trường và các hoạt động văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng sinh hoạt cộng đồng tại các địa phương. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Cần quan tâm đầu tư cho PCTT, đầu tư cho PCTT là đầu tư cho phát triển bền vững, cần quan tâm đầu tư từ ngân sách, đa dạng hóa và sử dụng hiệu quả nguồn lực, nâng cấp đê điều, hồ đập, phòng chống sạt lở, đầu tư trang thết bị chuyên dụng để TKCN, hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở. Triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách pháp luật của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về PCTT; rà soát hoàn thiện pháp luật, xây dựng chính sách xã hội để động viên khuyến khích sự tham gia vào công tác PCTT./.