CHUYÊN MỤC

CỰU CHIẾN BINH HUYỆN ĐỨC CƠ – CHẶNG ĐƯỜNG 30 NĂM PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG BỘ ĐỘI CỤ HỒ, CHUNG SỨC XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG

10/01/2023
Hội Cựu chiến binh huyện Đức Cơ được thành lập vào ngày 10/12/1992 theo Quyết định của Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Cơ. Qua 30 năm xây dựng và trưởng thành, cán bộ, hội viên cựu chiến binh trong toàn huyện đã luôn phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và niềm tin yêu của nhân dân.
Untitled.png
Ảnh minh họa
Sau hơn một năm thành lập huyện, ngày 10/12/1992, Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Cơ đã ban hành Quyết định thành lập Hội Cựu chiến binh huyện Đức Cơ. Lúc này Ban Chấp hành lâm thời có 8 đồng chí, Ban Thường vụ Huyện hội có 3 đồng chí; trong đó, đồng chí Trần Quang Nhận được chỉ định làm Chủ tịch Hội. Những ngày đầu mới thành lập, Hội Cựu chiến binh huyện gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất cũng như kinh nghiệm tổ chức các hoạt động. Nhưng với tinh thần quyết tâm và bản lĩnh của những người lính cụ Hồ, các cán bộ phụ trách Hội đã nỗ lực vượt qua khó khăn và tích cực triển khai công tác xây dựng tổ chức Hội. Chỉ sau hai tháng thành lập,Hội Cựu chiến binh huyện đã kết nạp được 192 hội viên. Đến ngày 14/4/1993, Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Hội Cựu chiến binh huyện Đức Cơ được tổ chức với sự tham gia của 46 đại biểu, đại diện cho 600 hội viên của 10 xã, thị trấn trong toàn huyện. Nói về những khó khăn của Hội Cựu chiến binh huyện trong những ngày đầu thành lập, ông Trần Quang Nhận - Nguyên Chủ tịch Hội CCB huyện Đức Cơ năm 1992-1993 cho biết: “Về cơ cấu tổ chức của Hội CCB huyện lúc đó có 3 đồng chí thôi, tôi làm Chủ tịch lâm thời và đồng chí Viễn và đồng chí Tuyển. Sau một quá trình tổ chức ổn định rồi thì tiến hành Đại hội Cựu chiến binh. Ban đầu thì nói chung là các điều kiện của tổ chức Hội chúng ta ở huyện Đức Cơ này hết sức khó khăn. Nòng cốt chủ yếu là các đồng chí cán bộ lãnh đao. Từ vấn đề đó thì cũng có thuận lợi, các đồng chí đó cũng có cái nhanh chóng để tổ chức thành lập và tiến tới Đại hội, bầu ra các đồng chí Chủ tịch Hội CCB ở các xã, thị trấn và tiến hành Đại hội Hội CCB huyện Đức Cơ lần thứ nhất.”
Nhớ lại thời gian xây dựng tổ chức Hội cơ sở sau khi tiến hành Đại hội đại biểu Hội Cựu chiến binh huyện Đức Cơ lần thứ nhất, ông Phan Thanh Viễn - Nguyên Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Đức Cơ giai đoạn 1992-2007 chia sẻ: “Sau khi Đại hội xong thì chúng tôi tiến hành đi xây dựng cơ sở. Thời điểm đó thì rất vất vả, khó khăn. Đường sá mùa khô thì bụi, mùa mưa thì trơn trượt mà đi vào các làng của huyện mình đây rất chi là khó khăn. Hồi đó không có xe máy đâu, đi xe đạp cọc cạch, cứ một ngày là đi một xã. Sau một thời gian khoảng một năm, được sự quan tâm của Huyện ủy, Ủy ban, bên cạnh đó là sự phối hợp của Ủy ban MTTQ huyện thì cũng đã tạo điều kiện cho chúng tôi tiếp cận với các xã để xây dựng bộ máy Hội Cựu chiến binh của xã.”
 
Trong 30 năm thành lập và phát triển, Hội Cựu chiến binh huyện đã tổ chức 7 kỳ Đại hội. Các tổ chức Hội cơ sở cũng được xây dựng và phát triển nhanh chóng. Từ chỗ chỉ có gần 200 hội viên trong những ngày đầu mới thành lập, đến nay, toàn huyện Đức Cơ đã có gần 2.100 hội viên cựu chiến binh sinh hoạt ở 71 chi hội thôn, làng, tổ dân phố. Thời gian qua, Hội Cựu chiến binh huyện đã chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Hội gắn với việc kiện toàn, xây dựng tổ chức Hội các cấp vững mạnh. Các hoạt động của Hội được triển khai theo hướng tập trung về cơ sở và gắn liền với việc học tập và làm theo Bác. Các cấp Hội Cựu chiến binh trên địa bàn đã thường xuyên tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, triển khai nhiều giải pháp nhằm giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Ông Trần Gioòng - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Đức Cơ cho biết thêm: “Đối với hội viên Cựu Chiến binh thì qua quá trình thực hiện nhiệm vụ thì Hội đã phát huy được phẩm chất truyền thống bộ đội cụ Hồ và truyền thống cựu chiến binh Việt Nam là trung thành, đoàn kết, gương mẫu, đổi mới cho nên là đã thực hiện tốt nhiệm vụ tham gia góp ý xây dựng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nhân dân và đấu tranh, phản bác các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước. Thứ hai nữa là đối với Hội Cựu Chiến binh thì thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, hội viên cựu chiến binh về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước. Rồi là trong thực hiện phong trào giúp nhau xóa đói giảm nghèo thì với tinh thần “Lá lành đùm lá rách” và “Lá rách ít đùm lá rách nhiều” thì trong 30 năm qua Hội Cựu chiến binh đã quyên góp rồi vẫn động xóa nhà dột nát cả làm mới và sửa chữa thì được gần 40 cái nhà cho hội viên và điều kiện đời sống của hội viên thì ngày được nâng lên và tỷ lệ hộ nghèo thì mỗi năm một giảm và tỷ lệ hộ khá, giàu thì mỗi năm tăng lên.”
          Điểm nhấn quan trọng trong hoạt động, công tác của Hội Cựu chiến binh huyện những năm qua là việc triển khai Phong trào “Hai xóa – Ba giúp – Ba mô hình” gắn với phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”. Thực hiện các Phong trào này, các cấp Hội Cựu chiến binh trên địa bàn đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư, mở rộng các ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Hội Cựu chiến binh huyện đã phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội nhận ủy thác vốn vay qua các chương trình ưu đãi do Hội quản lý thông qua 48 tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ hơn 98 tỷ đồng. Hội cũng duy trì nguồn quỹ nội bộ do cán bộ, hội viên đóng góp với số tiền gần 5,4 tỷ đồng. Nguồn quỹ trên đã giúp 431 hội viên được vay vốn với lãi suất thấp để phát triển kinh tế gia đình. Cùng với việc hỗ trợ vay vốn, các cấp Hội Cựu chiến binh trong toàn huyện cũng quan tâm, hỗ trợ hội viên nghèo về nhà ở và sinh kế để tạo điều kiện cho hội viên vươn lên thoát nghèo. Ông Trương Quang Dũng - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ cho biết: “Trong thời gian qua, Hội Cựu chiến binh xã cũng hỗ trợ cho các hộ xây dựng nhà vệ sinh, chăn nuôi, trồng trọt; hỗ trợ đào giếng, giúp hội viên thoát nghèo. Hiện nay một số hội viên được hỗ trợ và cũng cố gắng vươn lên thoát nghèo. Qua kiểm tra thực tế một số hộ đã chứng minh được quá trình xây dựng gia đình khá hơn trước để cố gắng vươn lên thoát nghèo. Còn đối với một số hội viên và người dân thì cũng tham gia công tác vay vốn của Ngân hàng chính sách. Hiện nay, Hội Cựu chiến binh xã cũng quản lý 6 tổ của 3 thôn, làng với tổng dư nợ hiện nay lên đến trên 12 tỷ và cũng có nhiều hộ gia đình cựu chiến binh được vay vốn đã phát triển kinh tế và đã thoát được nghèo.”    Hiện nay, phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” trên địa bàn huyện Đức Cơ đã lan tỏa sâu rộng đến các tổ chức cơ sở Hội và đạt được những kết quả quan trọng.Toàn huyện hiện có 4 doanh nghiệp, 2 hợp tác xã do hội viên cựu chiến binh làm chủ; 35 trang trại, 463 gia trại và 68 hộ kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho gần 1.200 lao động tại địa phương.Các tổ chức cơ sở Hội đều đã thành lập Câu lạc bộ “Cựu chiến binh sản xuất, kinh doanh giỏi”. Trên địa bàn huyện hiện có 796 hộ gia đình cựu chiến binh thuộc diện khá, giàu và 366 lượt hội viên được công nhận danh hiệu “Hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi”. Ông Ngô Công Đoan - Cựu chiến binh sản xuất, kinh doanh giỏi huyện Đức Cơ chia sẻ: “Lúc mới vào Đức Cơ điều kiện kinh tế lúc bấy giờ rất là khó khăn,  một là cái điều kiện thời chuyển sang bao cấp rất là khó khăn, kinh tế thì gặp nhiều vấn đề phải nói là không thể tưởng tượng, không thể nói hết được cuộc sống bấy giờ. Trong thời gian 30 năm tôi thấy tôi bước chân vào doanh nghiệp thì tôi thấy thổ nhưỡng đất đai màu mỡ. Trong quá trình đất nước thay đổi, nông nghiệp phát triển đòi hỏi chúng ta phải phát huy nội lực cực cao. Như vườn nhà tôi diện tích khoảng 50 héc ta tôi trồng cây ăn trái như bưởi, sầu riêng, hồ tiêu, các loại cây ăn trái.”
Trong số gần 2.100 hội viên cựu chiến binh trên địa bàn huyện Đức Cơ hiện nay, có gần 1.500 hội viên từng tham gia các cuộc kháng chiến cứu nước; tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.Trở về cuộc sống đời thường, những người lính cụ Hồ năm nào lại tích cực tham gia cùng con cháu trên mặt trận xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình.Ở mặt trận này, trên địa bàn huyện đã xuất hiện những tấm gương cựu chiến binh tiêu biểu. Ông Rơ Mah Duen – Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh làng Dơk Ngol, xã Ia Dơk là một trong những tấm gương như vậy. Là một người lính từng tham gia lực lượng dân quân xã và tham gia chiến đấu chống tổ chức phản động Fulro trong những năm 1979-1980; sau khi trở về địa phương, ông Duen được bà con tín nhiệm và bầu làm thôn trưởng làngDơk Ngol trong nhiều năm liền. Hiện nay, với vai trò vừa làChi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh, vừa là già làng của làng Dơk Ngol; ông luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi phong trào tại địa phương. Tuy đã ở độ tuổi “thất thập” nhưng ông vẫn cùng con cháu phát triển mô hình kinh tế của gia đình với gần 7 héc ta cà phê, cao su, hồ tiêu, điều và chăn nuôi đàn gia súc gần 20 con. Mô hình này mang lại nguồn thu cho gia đình ông khoảng 700 triệu đồng mỗi năm. Ông Rơ Mah Duen - Chi hội trưởng Chi hội CCB làng Dơk Ngol, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ cho biết thêm: “Bản thân tôi hồi xưa là dân tộc Jrai rất khó khăn, sau giải phóng mình làm nương, làm rẫy rồi một năm mình bỏ đi, 2 năm mình bỏ đi; cuối cùng mình nghe chương trình nhà nước tuyên truyền, vận động trồng cao su, trồng điều, trồng cà phê, trồng tiêu. Tôi cố gắng phấn đấu, hồi xưa mình rất khó khăn, cơm ăn không có, áo mặc không có; mình suy nghĩ và mình cố gắng lao động sản xuất trồng vườn cây. Bắt đầu tôi trồng điều trước, tiếp tôi trồng cà phê. Mình làm ăn như thế nào mình tuyên truyền cho bà con làm đông xuân, làm cà phê, làm điều, tuyên truyền, vận động bà con nghe, làm theo tôi.”
          Cũng như cựu chiến binh Rơ Mah Duen, cựu chiến binh Rơ Mah Uếp – xã Ia Kla cùng từng tham gia lực lượng đặc biệt vùng ngoại biên để chiến đấu chống tổ chức phản động Fulro. Sau khi phục viên, trở về địa phương, ông Uêp đã đảm nhiệm nhiều cương vị lãnh đạo tại xã Ia Kla. Sau khi nghỉ hưu vào năm 2018, cựu chiến binh Rơ Mah Uếp tập trung phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, mỗi năm gia đình ông có nguồn thu khoảng 400 triệu đồng từ diện tích gần 6 héc ta cây công nghiệp, cây ăn quả, lúa nước và đàn bò gồm 26 con. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông cũng nhiệt tình chỉ bảo kinh nghiệm, giúp đỡ bà con trong lao động sản xuất. Cựu chiến binh Rơ Mah Uếp - xã Ia Kla, huyện Đức Cơ nói: “Đầu tiên là cái giống mình không biết lấy ở đâu ra, xong mình quen biết mấy anh ở Đắc Lắk và Bình Định về đây xây dựng kinh tế mới, mấy ông bảo trồng cà phê rồi bắt đầu cùng nhau mua giống và tự ươm, tự làm luôn; thời xưa đâu có múc đâu, đào hố, lấy cuốc đào. Nên là sau khi mình làm thấy phát triển được kinh tế, gia đình lúc nào cũng thấy hiệu quả. Có một thời gian giá cả hạ thấp xuống 2 nghìn một ký tươi, lúc đấy một số người phá đi trồng mì. Chú mới nói là mình làm cây gì, chắc cây đó; mình phải giữ cây đó, cứ kiên trì; nói cho một số vừa là hội viên vừa là bà con ở thôn làng; mình không nên phá đi, ví dụ mình đã chăm sóc nó rồi mình phải theo nó chứ.”
Bên cạnh việc triển khai các phong trào thi đua của tổ chức Hội, những năm qua, cán bộ, hội viên cựu chiến binh huyện Đức Cơ cũng luôn phát huy vai trò gương mẫu, tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào tại địa phương, nổi bật là phong trào xây dựng nông thôn mới. Hưởng ứng phong trào này, hội viên cựu chiến binh trong toàn huyện đã đóng góp hàng trăm ngày công lao động để làm đường, trồng cây xanh, nạo vét kênh mương và hiến gần 8.000 mét vuông đất để mở rộng đường khu dân cư, đóng góp tích cực vào chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Ông Trương Xuân Viên - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ cho biết: “Về công tác xây dựng nông thôn mới ở làng Trol Đeng thì đã vận động hội viên và nhân dân, đặc biệt là hội viên đóng góp được hơn 50 triệu để làm 8 tuyến đường nhánh bê tông cho bà con đi lại thuận tiện trong làng. Rồi phối hợp với Hội CCB sản xuất, kinh doanh giỏi của thị trấn hỗ trợ cho bà con nhân dân 240 cây mít để bà con nhân dân trồng trong làng, phối hợp trồng 120 cây chuông vàng dọc tuyến đường để đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp tại làng Trol Đeng. Hội CCB cũng nhận phụ trách 20 hộ trong làng để vận động bà con nhân dân tham gia mua bảo hiểm y tế và nhận giúp đỡ 2 hộ nghèo để thoát nghèo trong năm tới, vận động bà con nhân dân thực hiện tốt công tác giảm nghèo và mua bảo hiểm y tế đạt hiệu quả rất cao.”
Những năm gần đây, Hội Cựu chiến binh huyện Đức Cơ đã phát huy truyền thống Bộ Đội Cụ Hồ, triển khai nhiều phong trào có ý nghĩa. Hội Cựu chiến binh huyện thường xuyên tổ chức các đợt dọn dẹp, vệ sinh tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện và thay cát bát hương tại phần mộ các anh hùng Liệt sỹ để ghi ơn các anh hùng liệt sĩ, những người đã hi sinh cho độc lập tự do của dân tộc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả. Hưởng ứng Phong trào “Toàn dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông”, hiện nay, Hội Cựu chiến binh các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã phối hợp với lực lượng Công an xã và Đoàn Thanh niên triển khai mô hình “Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trước cổng trường”. Tham gia mô hình này, các cán bộ, hội viên cựu chiến binh đã nhiệt tình giúp đỡ các cháu học sinh khi qua đường. Đồng thời, hướng dẫn phụ huynh xếp xe gọn gàng, không lấn chiếm lòng đường làm nơi đỗ xe nhằm tạo sự thông thoáng cho các phương tiện khác lưu thông dễ dàng. Mô hình đã giúp nâng cao ý thức của học sinh và phụ huynh đối với việc chấp hành Luật giao thông, góp phần xây dựng nét đẹp văn hóa giao thông và đảm bảo mỹ quan, an ninh trật tự tại khu vực cổng trường học. Ông Trần Xuân Hiến - Thành viên Tổ thực hiện mô hình ATGT xã Ia Kla, huyện Đức Cơ chia sẻ: “Mô hình an toàn giao thông này của Hội CCB xã nói chung là do Huyện hội chỉ đạo và Đảng ủy xã trực tiếp lãnh đạo. Điểm trường này thì đường giao thông tương đối lớn, lượng xe qua lại tương đối nhiều cho nên Tổ an toàn giao thông của các chú là buổi sáng đến nhắc nhở phụ huynh dựng xe vào phía trong và đưa các cháu qua đường, khi phụ huynh không có mặt ở đây là các chú dẫn các cháu qua đường để đảm bảo an toàn giao thông.”
Với những thành tích đạt được, từ khi thành lập đến nay, Hội Cựu Chiến binh huyện đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp. Đặc biệt, Hội đã được Hội Cựu Chiến binh tỉnh Gia Lai và Huyện ủy Đức Cơ tặng cờ thi đua trong giai đoạn 1994-1999 và 2011-2016. Những phần thưởng trên là sự đánh giá, ghi nhận của Đảng, Nhà nước và của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với Hội Cựu Chiến binh huyện. Qua đó, góp phần khẳng định vai trò, vị trí của Hội trong hệ thống chính trị - xã hội huyện Đức Cơ trong 30 năm qua. Đánh giá về những đóng góp của Hội Cựu chiến binh huyện đối với sự phát triển của địa phương, đồng chí Siu Thil – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy nói: “Ngoài việc quan tâm đến các hội viên, đoàn viên, phát triển Hội, Hội CCB huyện còn thực hiện các phong trào tương trợ, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế xã hội. Hiện tại Hội CCB huyện cũng phối hợp với các nhà trường thực hiện mô hình giáo dục lớp trẻ, rồi hỗ trợ các hội viên khó khăn xây nhà tình thương, nhà đồng đội. Một mô hình mà Hội CCB đã làm được và cũng cần phải duy trì đó là mô hình an toàn giao thông trước cổng trường, đối với các trường THPT và THCS thì mô hình này thực hiện rất tốt, qua thực tế thì thấy Hội đã làm được. Ngoài ra Hội CCB huyện còn có các phong trào như dọn vệ sinh hoặc là đến ngày 27-7, Hội cũng tổ chức dọn vệ sinh nghĩa trang để chuẩn bị cho Lễ thắp nến tri ân và Lễ viếng các anh hùng liệt sỹ, cái này làm rất tốt. Chúng tôi đánh giá cao về những hoạt động của Hội, còn về những công việc khác thì Hội cũng thực hiện đúng theo chương trình, kế hoạch trong nhiệm kỳ mà Đại hội đề ra. Mong rằng trong thời gian tới các cấp Hội luôn thực hiện tốt theo Kế hoạch.”
Những thành quả đạt được trong chặng đường 30 năm qua sẽ là tiền đề để Hội Cựu chiến binh huyện thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới, trước mắt là nhiệm kỳ 2022-2027. Trong nhiệm kỳ này, Hội Cựu chiến binh huyện xác định, tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội cụ Hồ và truyền thống “Trung thành – Đoàn kết –Gương mẫu – Đổi mới”; tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nhân dân. Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động, phong trào thi đua của Hội gắn với phong trào thi đua yêu nước tại địa phương; đặc biệt là phát huy vai trò của cựu chiến binh trong công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Ông Trần Gioòng - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Đức Cơ cho biết thêm: “Trên cơ sở kết quả đạt được trong 30 năm qua thì phương hướng tới thì đặc biệt là Đại hội khóa 7, nhiệm kỳ 2022  - 2027 thì Đại hội đã xác định một là 100% cán bộ, hội viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; cái thứ hai nữa là hàng năm phấn đấu kết nạp 85% và đối tượng đủ điều kiện để kết nạp vào Hội và cái thứ ba là phấn đấu giảm hộ nghèo từ 1 đến 1,5% trong số hộ nghèo là hội viên cựu chiến binh và hàng năm nữa thì phấn đấu 100% tổ chức Hội hoàn thành nhiệm vụ, trong đó có 80% trở lên hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc thì đạt 20%.”
Nhìn lại chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển là dịp để Hội Cựu chiến binh huyện Đức Cơ rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị trong thời gian tới. Từ đó, xây dựng tổ chức Hội các cấp thực sự vững mạnh; góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển./.
 
                                                                                 Mỹ Duyên – Thanh Tịnh

Other


Thông tin bản quyền

Cơ quan: huyện Đức Cơ - tỉnh Gia Lai
Địa chỉ: Thị trấn Chư Ty - Huyện Đức Cơ - tỉnh Gia Lai
Điện thoại: (0269) 3846107 - Fax: (0269) 3846428 - Email:ubndducco@gialai.gov.vn
Người chịu trách nhiệm:
Lê Văn Thịnh - Chánh Văn phòng HĐND & UBND huyện Đức Cơ
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 23 tháng 5 năm 2018  của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
handle_cert.png