CHUYÊN MỤC

ĐỨC CƠ TỪNG BƯỚC TRỞ THÀNH VÙNG KINH TẾ ĐỘNG LỰC PHÍA TÂY TỈNH GIA LAI

20/04/2022
Huyện Đức Cơ là một trong 3 huyện biên giới của tỉnh Gia Lai với 35 km đường biên tiếp giáp với huyện Oyadav-tỉnh Ratanakiri-Vương quốc Campuchia. Cùng với các thế mạnh nội lực khác, Đức Cơ có Cửa khẩu Quốc Tế Lệ Thanh nên có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế-xã hội. Mặc dù chưa thực sự phát huy hết lợi thế vốn có nhưng với quyết tâm chính trị cao nhất, Đức Cơ đang từng ngày thay da đổi thịt, mang dáng dấp của một huyện vùng biên năng động, từng bước trở thành vùng kinh tế động lực phía Tây tỉnh Gia Lai.

Untitled.png
Ảnh minh hoạ
Với lợi thế về vị trí địa lý và thế mạnh từ các loại cây công nghiệp dài ngày như: cao su, cà phê và cây điều, ngay từ khi mới thành lập, huyện Đức Cơ đã có chủ trương xây dựng huyện thành vùng kinh tế động lực phía Tây của tỉnh. Từ năm 2007, thực hiện Nghị quyết số 10 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai, khóa XIII về xây dựng các vùng kinh tế động lực, huyện Đức Cơ đã triển khai những giải pháp đồng bộ, tập trung phát triển kinh tế vùng biên giới. Năm 2015, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đức Cơ khóa VI đã xác định, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2015-2020 là “Phát huy mọi nguồn lực và khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của huyện, phấn đấu xây dựng Đức Cơ thành vùng kinh tế động lực phía Tây của tỉnh”.
Với quyết tâm chính trị cao nhất, đến nay, huyện Đức Cơ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của địa phương. Tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng, thương mại và dịch vụ ngày càng tăng. Năm 2021, giá trị sản xuất toàn huyện đạt 5.796 tỷ đồng, trong đó, tỷ trọng ngành Thương mại-Dịch vụ chiếm gần 40%. Tổng thu nhập bình quân theo đầu người trong năm 2021 đạt 40,23 triệu đồng. Đánh giá về sự phát triển của địa phương, ông Vũ Mạnh Định-Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ cho biết, hiện nay Đức Cơ đã có 138 doanh nghiệp, 4 hợp tác xã và gần 2.500 hộ kinh doanh cá thể. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đều duy trì hoạt động hiệu quả. Đức Cơ hiện đã có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới là xã Ia Dom, Ia Nan và xã Ia Krêl. Đời sống của người dân đã được nâng lên đáng kể. Ông Vũ Mạnh Định-Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ cho biết thêm: “Huyện Đức Cơ có khu kinh tế Cửa Khẩu Quốc Tế Lệ Thanh được Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng đến năm 2045. Với mục tiêu trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh Gia Lai, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống dân cư vùng biên. Gắn với quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Để phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn, huyện đã xác định đầu tư cơ sở vật chất và nhân lực để nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp và nhân dân, khuyến khích các loại hình dịch vụ vận tải, bảo hiểm, tạo điều kiện để doanh nghiệp hình thành các chuỗi siêu thị mini ở thị trấn và trung tâm các xã. Bên cạnh đó huyện cũng đang đề xuất với tỉnh cho xây dựng cụm công nghiệp 30 héc ta và có thể mở rộng lên 75 héc ta. Để phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, huyện sẽ kêu gọi đầu tư, phát triển thương mại dịch vụ và du lịch theo hướng liên danh, liên kết”.
Khu kinh tế Cửa Khẩu Quốc Tế Lệ Thanh với tổng diện tích tự nhiên theo quy hoạch 41.860 héc ta, gồm các xã: Ia Kla, Ia Nan, Ia Dom và thị trấn Chư Ty. Thị trấn Chư Ty hiện đang có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và phấn đấu trở thành đô thị loại 4. Các xã nằm trong khu kinh tế không ngừng phát triển, trong đó xã biên giới Ia Dom trở thành xã nông thôn mới đầu tiên của khu vực Tây Nguyên. Đến nay, Khu Kinh tế Cửa Khẩu Quốc tế Lệ Thanh đã thu hút được 32 nhà đầu tư, triển khai 39 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 539 tỷ đồng. Năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu tại Cửa Khẩu Quốc Tế Lệ Thanh đạt 96,64 triệu Đô la Mỹ. Hiện nay, dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 19, trong đó có hơn 30km qua huyện Đức Cơ đang được triển khai sẽ góp phần phát triển hệ thống đường bộ kết nối Đức Cơ với các tỉnh, thành phía Đông của nước bạn Campuchia. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi hơn nữa để Đức Cơ tiếp tục phát triển, vươn tầm xứng đáng trở thành vùng kinh tế động lực phía Tây của tỉnh. Là chủ một doanh nghiệp lâu năm trên địa bàn. Ông Nguyễn Trọng Điểm-Tổ dân phố 4 thị trấn Chư Ty cho biết: “Gia đình chúng tôi bắt đầu kinh doanh từ năm 1993, sau khi thành lập huyện 2 năm. Lúc bấy giờ mọi cái đều khó khăn lắm, đường sá, phương tiện đi lại, giao thông rất là khó khăn. Tôi không nghĩ là nó sẽ phát triển như ngày hôm nay. Có được như vậy là nhờ tinh thần cố gắng của người dân nhưng cũng nhờ Nhà nước và địa phương đã quan tâm đến các doanh nghiệp”.
Huyện Đức Cơ hiện có hơn 15.000 héc ta cây công nghiệp dài ngày gồm cao su, cà phê, điều và hồ tiêu. Trong những năm qua, Đức Cơ tập trung phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, thông qua các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và từng bước tiếp cận với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Từ năm 2020, huyện Đức Cơ đã điều chỉnh quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, gặp gỡ với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, triển khai chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp khi thực hiện dự án tại địa phương. Với sự mời gọi đầu tư và thông thoáng trong cơ chế, nên đến nay công ty TNHH MTV Vĩnh Hiệp đã triển khai thực hiện chương trình liên kết sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C với diện tích 423 héc ta. Tập đoàn Lộc Trời cũng chính thức triển khai dự án liên kết với huyện trong sản xuất nông nghiệp mà sản phẩm chủ lực là cây ăn trái. Ông Nguyễn Quốc Tư-Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đức Cơ cho biết, tính đến cuối năm 2021, toàn huyện đã có 17 sản phẩm Ocop cấp tỉnh, trong đó 4 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao. Để tiếp tục phát huy Chương trình mỗi xã một sản phẩm, huyện Đức Cơ sẽ triển khai nhiều chương trình liên kết sản xuất, mời gọi nhà đầu tư vào địa bàn, ưu tiên những mô hình phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, đưa sản phẩm tốt ra thị trường. Ngành nông nghiệp sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm để gia tăng xuất khẩu, thực sự phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của một vùng kinh tế động lực. Ông Nguyễn Quốc Tư – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đức Cơ nói: “Từ những năm 2015 trở lại đây chúng tôi thấy rằng việc đa dạng hóa là một giải pháp hết sức quan trọng đối với ngành nông nghiệp huyện Đức Cơ. Ngoài việc phát triển những cây trồng chủ lực thì phát triển thêm những cây mang tính chất đặc sản bản địa hoặc là những con vật nuôi đặc trưng vùng miền của Đức Cơ. Từ năm 2015 đến nay đã mang lại hiệu quả nhất định. Ví dụ trên đối tượng vật nuôi thì chúng tôi mở rộng vật nuôi mà xưa nay chưa được quan tâm là lợn sóc và gà địa phương, mật ong và những sản phẩm chăn nuôi khác”.
Để hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện thành vùng kinh tế động lực phía Tây của tỉnh, một trong những giải pháp mang tính lâu dài, căn cơ được huyện Đức Cơ xác định là phát triển ngành du lịch. Năm 2016, khi cây đa làng Ghè, xã Ia Dơk được công nhận là cây di sản Việt Nam, Đức Cơ lại có thêm nguồn lực để phát triển du lịch và có tiềm năng phát triển ngành công nghiệp không khói. Từ khi Cột mốc số 30 và Quốc Môn Cửa Khẩu Quốc Tế Lệ Thanh được khánh thành, hoạt động du lịch trên địa bàn huyện Đức Cơ đã có những tín hiệu khởi sắc. Huyện đã từng bước nắm bắt được thời cơ để phát triển ngành du lịch, thu hút đông đảo du khách đến địa phương. Năm 2020, UBND huyện Đức Cơ xây dựng đề án phát triển du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đề án này nhằm đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn huyện gắn với quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế, văn hóa, xã hội theo hướng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và tôn tạo cảnh quan thiên nhiên. Hiện nay, huyện đang tập trung đầu tư xây dựng dự án Di tích lịch sử Chiến thắng Chư Ty. Sau khi hoàn thành, di tích này sẽ kết nối với các điểm du lịch trọng tâm tại Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, kết nối với Điểm du lịch Thác ông Đồng - xã Ia Pnôn và rừng Giáng Hương - xã Ia Kriêng… Đây là những tín hiệu vui để Đức Cơ có thêm nguồn lực thực hiện mục tiêu trở thành vùng kinh tế động lực phía Tây của tỉnh. Về mục tiêu cụ thể để phát triển du lịch, ông Trần Ngọc Phận-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ cho biết: “Với tiềm năng và lợi thế có thể phát triển du lịch tại địa phương thì UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu cho UBND huyện tổ chức các hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc của địa phương. Chúng tôi đầu tư một số điểm tha quan du lịch, cụ thể như cây đa làng Ghè chúng tôi quy hoạch khoảng 3.000 mét vuông và có thể đầu tư xây dựng các hạng mục để khách có thể đến tham quan cây đa là cây di sản Việt Nam và có thể tham quan, du lịch giải trí và thưởng thức các nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc của người Jrai tại địa phương. Chúng tôi có điểm du lịch như Cửa Khẩu Quốc Tế Lệ Thanh, có cột mốc số 30, có cửa Quốc Môn. Ngoài ra thì nghĩa trang liệt sĩ nơi đây đang chôn cất và thờ phụng các anh hùng liệt sĩ trong công cuộc chiến tranh xây dựng Tổ Quốc”.
Để xây dựng huyện vùng biên năng động, phát huy được tiềm năng, lợi thế vốn có, huyện Đức Cơ đang tập trung phát triển nông nghiệp thế mạnh, đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa và khu vực biên giới, khu vực cửa khẩu, thúc đẩy mối quan hệ, giao thương giữa 2 địa phương của tỉnh Gia Lai và Ratanakiri. Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Đức Cơ đang tiếp tục hướng đến mục tiêu trở thành một khu kinh tế phát triển toàn diện và vùng kinh tế động lực phía Tây tỉnh Gia Lai./.
 
                                                                              Mỹ Duyên-Thanh Tịnh

Other


Thông tin bản quyền

Cơ quan: huyện Đức Cơ - tỉnh Gia Lai
Địa chỉ: Thị trấn Chư Ty - Huyện Đức Cơ - tỉnh Gia Lai
Điện thoại: (0269) 3846107 - Fax: (0269) 3846428 - Email:ubndducco@gialai.gov.vn
Người chịu trách nhiệm:
Lê Văn Thịnh - Chánh Văn phòng HĐND & UBND huyện Đức Cơ
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 23 tháng 5 năm 2018  của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
handle_cert.png