CHUYÊN MỤC

CỰU CHIẾN BINH XÃ IA KRÊL THI ĐUA LÀM KINH TẾ GIỎI

19/07/2021
Những năm qua, Hội Cựu chiến binh huyện Đức Cơ đã triển khai tích cực, sâu rộng bằng nhiều biện pháp, hình thức phong phú để thực hiện hiệu quả phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”. Từ đó, đã xuất hiện những tập thể và cá nhân tiêu biểu trong thực hiện phong trào. Một trong những tập thể điển hình, thực hiện tốt phong trào này là Hội Cựu chiến binh xã Ia Krêl.
Untitled.png
Ảnh minh hoạ
Hội Cựu chiến binh xã Ia Krêl hiện có 300 hội viên sinh hoạt ở 10 chi hội. Để phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” có sự lan tỏa mạnh mẽ, trong thời gian qua, Hội Cựu chiến binh xã đã quán triệt sâu sắc tinh thần các Nghị quyết chuyên đề của Hội cấp trên đến các chi hội và hội viên. Qua đó, giúp các hội viên hiểu rõ ý nghĩa của phong trào, tích cực lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Hiện nay, Hội Cựu chiến binh xã Ia Krêl đã xây dựng được nguồn quỹ hơn 1 tỷ đồng để xoay vòng, giúp các hội viên vay vốn, phát triển sản xuất. Hội cũng duy trì 7 tổ vay vốn từ nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng chính sách xã hội với số tiền hơn 11 tỷ đồng. Hội Cựu chiến binh xã cũng duy trì hoạt động của Câu lạc bộ cựu chiến binh sản xuất, kinh doanh giỏi với 12 thành viên tham gia. Các thành viên trong Câu lạc bộ đã thường xuyên giúp đỡ những gia đình hội viên và người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn; hướng dẫn, chia sẻ kỹ thuật trong lao động sản xuất để giúp họ phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống. Đến nay, xã Ia Krêl có 71 hộ gia đình hội viên cựu chiến binh thuộc diện khá, giàu và chỉ còn 1 hộ gia đình hội viên thuộc diện nghèo. Về việc triển khai phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” trong thời gian qua, ông Trần Ngọc Hưng-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ cho biết: “Từ những gương điển hình này thì chúng tôi nhân rộng ra để giúp đỡ những hội viên khó khăn, đặc biệt là những hội viên người Kinh làm ăn kinh tế giỏi thì giúp những hội viên người địa phương. Hai nữa là chúng tôi cũng triển khai các mô hình, nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến, ví dụ như tại địa phương thì có một số mô hình như anh Nguyễn Tiến Nối, anh Lê Hải Thành, anh Hồ Sư Cần, anh Phan Lạc Hoa và những điển hình khác nữa, các anh làm ăn phải nói là rất tiêu biểu. Như các đồng chí biết thì Hội cựu chiến binh  là những người từng trải qua quân ngũ nên sau khi rời đơn vị trở về đời thường thì lực lượng này cũng tham gia phát triển kinh tế để trước mắt là đảm bảo đời sống gia đình, nhưng sau đó cũng ổn định, phát triển kinh tế của địa phương.”
Cựu chiến binh Nguyễn Tiến Nối, thôn Thanh Giáo là một trong những tấm gương tiêu biểu trong phong trào “Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi” ở xã Ia Krêl. Ông Nguyễn Tiến Nối quê ở tỉnh Hải Dương. Trước năm 1989, ông từng tham gia “Lính nghĩa vụ” truy quét tàn quân Fulro tại địa bàn huyện Đức Cơ. Năm 1993, sau 5 năm xuất ngũ trở về quê hương, ông đã quyết định đưa vợ con trở lại Đức Cơ để lập nghiệp. Khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, các con còn nhỏ nên cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Sau một thời gian dài cố gắng, gia đình ông đã trồng được hơn 14 héc ta cao su trên diện tích đất sản xuất của gia đình. Nhờ sự chịu thương, chịu khó và tinh thần ham học hỏi nên chỉ 5 năm sau, những vườn cao su bạt ngàn đã đem lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho gia đình. Khi có điều kiện kinh tế,   gia đình ông Nối đã trồng thêm 4 héc ta điều và hơn 1 héc ta cây ăn trái các loại như sầu riêng, bơ, mít, chôm chôm. Hiện nay, mỗi năm gia đình ông thu về hơn một tỷ đồng từ mô hình kinh tế vườn và cao su tiểu điền. Gia đình ông cũng tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động tại địa phương. Ông Nguyễn Tiến Nối-hội viên cựu chiến binh Chi hội thôn Thanh Giáo, xã Ia Krêl chia sẻ: “Bước đầu vợ chồng cùng với hai con nhỏ dắt nhau vào Tây Nguyên làm kinh tế nói chung là khó khăn vô vàn, phương tiện cũng không có, vật chất cũng không có, kể cả từ cái nhà ở cũng không có, phải làm nhà tạm, cảm thấy là ở những cái nhà nó không bằng ai hết. Vợ chồng rất vất vả nhưng cũng bảo ban nhau được, chồng bảo vợ, vợ bảo chồng, nghe cũng phát triển được. Đến nay, gia đình cũng phát triển được 14 héc ta cao su, 4 héc ta điều, hơn 500 cây ăn trái các loại. Gia đình cũng nuôi thêm dê để cải thiện, rồi cũng nuôi gà để cải thiện. Đến nay gia đình cũng thu nhập được trên dưới 1 tỷ đồng/năm.”
Ở làng Krêl, xã Ia Krêl, cựu chiến binh Nguyễn Bá Nhạc là một trong những hội viên tiêu biểu về phát triển kinh tế vườn. Là dân kinh tế mới nên khi vào Đức Cơ lập nghiệp, với bản lĩnh của người lính cụ Hồ, ông đã quyết tâm bám đất, bám vườn phát triển kinh tế gia đình. Từ nguồn vốn tích góp được cùng với vốn vay từ Ngân hàng và nguồn vốn Chi hội cựu chiến binh hỗ trợ, ông Nhạc đã đầu tư trồng cây công nghiệp kết hợp với cây ăn trái và cây dược liệu. Hiện nay, với 3 héc ta cà phê, 800 trụ tiêu, 100 cây ăn trái các loại và 2 nghìn gốc đinh lăng, mỗi năm gia đình ông có thu nhập trên 200 triệu đồng. Gia đình ông cũng đầu tư xây dựng một lò sấy cà phê và hệ thống máy xay cà phê tại nhà với kinh phí 160 triệu đồng để phục vụ cho gia đình và bà con trong vùng. Khi kinh tế đã khá giả, ông Nhạc cũng thường xuyên giúp đỡ những hội viên trong chi hội và người dân trong làng bằng cách cho vay vốn để phát triển sản xuất. Về mô hình kinh tế của gia đình, ông Nguyễn Bá Nhạc-hội viên Chi hội Cựu chiến binh làng Krêl, xã Ia Krêl cho biết: “Cùng với nguồn vốn của gia đình chúng tôi tiến hành giảm sức lao động của gia đình bằng cách đầu tư vào làm lò sấy. Hiện nay tổng giá trị của lò sấy, cả máy xay, cả ống hút là 160 triệu. Lò sấy của chúng tôi là 10 tấn trên một mẻ, trong vòng 3 ngày 3 đêm là 60 tấn. Còn thu hoạch hàng năm riêng bản thân gia đình tôi là từ 350 đến 400 triệu, trừ chi phí ra còn khoảng 200 triệu, tạo công ăn việc làm cho người dân trong làng tôi cùng với người dân ở ngoài nữa mỗi năm là 10 lao động. Đến bây giờ chúng tôi cũng đã mua sắm được các vật tư, thiết bị trong gia đình như ti vi, tủ lạnh, xe công nông, xe máy để làm phương tiện đi lại, phục vụ trong gia đình.”
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Ngọc Hưng-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ia Krêl cho biết, để đẩy mạnh phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”; thời gian tới, Hội sẽ nhân rộng các mô hình điển hình trong phát triển kinh tế của hội viên cựu chiến binh. Cùng với đó, xây dựng mô hình kết nghĩa giữa hộ gia đình hội viên người Kinh với hộ gia đình hội viên người DTTS để giúp đỡ, chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm trong lao động sản xuất. Ông Trần Ngọc Hưng-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ia Krêl cho biết thêm: “Chúng tôi tiếp tục nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến, hai nữa là chúng tôi sẽ nhân rộng Câu lạc bộ sản xuất, kinh doanh giỏi đấy, mục đính chính là những hộ làm ăn khá thì phải giúp đỡ những hộ hội viên cựu chiến binh nghèo, những hội viên khó khăn ở trong thôn, làng. Chúng tôi sẽ xây dựng mô hình kết nghĩa giữa hộ cựu chiến binh người Kinh với hộ cựu chiến binh người Jrai tại các thôn, làng thì đến nay chúng tôi cũng đã xây dựng Kế hoạch xong và tiếp tục là chúng tôi triển khai để nhân rộng các mô hình này.”
  Với việc tích cực tham gia phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, hội viên cựu chiến binh xã Ia Krêl đã và đang góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Họ là những tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo./.
 
 
                                                                                               Mỹ Duyên-Thanh Tịnh  

Other


Thông tin bản quyền

Cơ quan: huyện Đức Cơ - tỉnh Gia Lai
Địa chỉ: Thị trấn Chư Ty - Huyện Đức Cơ - tỉnh Gia Lai
Điện thoại: (0269) 3846107 - Fax: (0269) 3846428 - Email:ubndducco@gialai.gov.vn
Người chịu trách nhiệm:
Lê Văn Thịnh - Chánh Văn phòng HĐND & UBND huyện Đức Cơ
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 23 tháng 5 năm 2018  của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
handle_cert.png