Trong thời gian vừa qua, tình trạng săn, bắt, bẫy, buôn bán trái phép các loài chim hoang dã, đặc biệt là chim di cư vẫn còn đang diễn ra ở nhiều địa phương. Hành vi này đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống của các loài chim nói riêng, đa dạng sinh học của đất nước nói chung cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến nỗ lực của tỉnh trong việc bảo vệ và bảo tồn các loài động vật hoang dã. Để nâng cao hơn nữa công tác bảo vệ các loài chim hoang dã, chim di cư và có các giải pháp hiệu quả chấm dứt tình trạng săn, bẫy, bắt, buôn bán, tiêu thụ các loài chim hoang dã, chim di cư tại các địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Công văn số 3424/SNNPTNT-CCKL đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố; Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Kiểm lâm và các đơn vị liên quan tăng cường công tác bảo vệ các loại chim hoang dã, chim di cư.

Ảnh minh họa
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố nâng cao trách nhiệm trong công tác bảo tồn các loài chim hoang dã chim di cư tại Việt Nam theo chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai. Phổ biến, quán triệt cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan đơn vị nghiêm túc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ các loài chim hoang dã, chim di cư; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân không thực hiện hành vi săn, bắt, bẫy, mua, bán, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ, tiêu thu trái pháp luật các loài chim hoang dã, chim di cư; khuyến khích, động viên mọi người dân chủ động đấu tranh, tố giác các đối tượng có hành vi xâm hại các loài chim hoang dã, chim di cư cho cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Triển khai, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, buôn bán sinh vật cảnh trên địa bàn ký cam kết không mua, bán, trưng bày, quảng cáo mẫu vật động vật hoang dã, chim hoang dã, chim di cư không có nguồn gốc hợp pháp; xử lý nghiêm các cá nhân, cơ sở kinh doanh vi phạm quy định. Chỉ đạo UBND cấp xã quản lý tốt địa bàn, tăng cường nắm bắt thông tin, kiểm tra, xử lý nghiêm các địa điểm, tụ điểm có hoạt động mua, bán, giết mổ, tàng trữ, quảng cáo, nuôi nhốt động vật hoang dã, đặc biệt là chim hoang dã, chim di cư trái pháp luật.
Chi cục Kiểm lâm kịp thời nắm bắt các khu vực trọng điểm về săn, bắt, buôn bán, tiêu thụ các loài động vật hoang dã, đặc biệt các loài chim hoang dã, chim di cư; phát hiện sớm, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, bẫy, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ trái pháp luật các loài chim hoang dã, chim di cư; tổ chức triệt phá các tụ điểm kinh doanh trái pháp luật các loài chim hoang dã, chim di cư trên địa bàn tỉnh; đưa ra các biện pháp, giải pháp có hiệu quả bảo vệ các loài chim hoang dã, chim di cư. bố trí lực lượng trực 24/24 giờ tại Chốt; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển lâm sản trái phép, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tăng cường theo dõi, kịp thời phát hiện, xử lý các bệnh, dịch có nguồn gốc từ chim hoang dã, chim di cư có nguy cơ lây lan, ảnh hưởng tới sức khỏe con người, gia súc, gia cầm; phối hợp chặt chẽ với cơ quan Y tế, các ngành liên quan trong việc phòng chống dịch bệnh động vật từ các loài chim hoang dã, chim di cư. Các đơn vị chủ rừng tổ chức, lồng ghép tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn thiên nhiên đến người dân sinh sống tại các khu vực gần rừng, ven rừng; nghiêm cấm các hành vi săn, bắt, nuôi, nhốt, mua, bán động vật rừng, chim hoang dã, chim di cư trái quy định của pháp luật; chỉ đạo lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng tăng cường hoạt động tuần tra, phát hiện ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, xâm hại các loài ĐVHD trái pháp luật trên diện tích rừng được giao quản lý; bố trí lực lượng trực tại các Trạm, Chốt bảo vệ rừng, … kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn người dân mang các công cụ, phương tiện trái pháp luật vào rừng nhằm thực hiện các hành vi săn, bẫy, bắt các loài động vật hoang dã, chim hoang dã, chim di cư.
Kiều Nhung