CHUYÊN MỤC

PHƯƠNG THỨC, THỦ ĐOẠN HOẠT ĐỘNG CỦA TỘI PHẠM LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

17/05/2023
Qua tổng hợp, phân tích các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng do lực lượng Công an toàn tỉnh tiếp nhận từ năm 2021 đến nay; Công an tỉnh Gia Lai đã đánh giá và làm rõ một số phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Sau đây là một số phương thức chủ yếu:
Untitled.png
ẢNh minh họa
Thứ nhất: Sử dụng cuộc gọi trên nền tảng Internet hoặc sim rác sử dụng dịch vụ chuyển vùng quốc tế, giả danh cán bộ cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án; đe dọa nạn nhân có liên quan đến đường dây tội phạm ma túy, rửa tiền quốc tế… yêu cầu nạn nhân nộp tiền vào tài khoản của cơ quan tư pháp do đối tượng cung cấp để xác minh, kiểm tra hoặc yêu cầu tải các app lừa đảo về điện thoại để thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền của bị hại. Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra tổng cộng 45 vụ lừa đảo sử dụng phương thức này. Trong đó, năm 2021 có 8 vụ; năm 2022 có 33 vụ; Quý 1/2023 có 4 vụ.
Thứ hai: Thủ đoạn đăng thông báo tuyển cộng tác viên chốt đơn hàng ảo trên các sàn thương mại điện tử ảo do các đối tượng lập ra, dẫn dụ nạn nhân nộp tiền và chiếm đoạt. Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra tổng cộng 75 vụ, trong đó năm 2021 có 1 vụ; năm 2022 có 56 vụ; quý 1/2023 có 18 vụ.
Thứ ba: Kết bạn làm quen, hứa hẹn tặng quà có giá trị cao, hoặc nhờ nhận và giữ giúp tiền mặt giá trị lớn, sau đó các đối tượng giả danh nhân viên hải quan, sân bay… yêu cầu đóng các loại phí và chiếm đoạt tiền của bị hại. Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra tổng cộng 22 vụ, trong đó: Năm 2021 có 7 vụ; năm 2022 có 7 vụ; quý 1/2023 có 8 vụ.
Thứ tư: Chiếm quyền sử dụng tài khoản mạng xã hội, chủ yếu là facebook, giả lập các trang cá nhân Facebook, zalo để giả là bạn bè, người thân, nhắn tin mượn tiền và yêu cầu chuyển vào các tài khoản đối tượng đưa ra. Trên địa bàn tỉnh đã phát hiện một số vụ đối tượng sử dụng tài khoản ngân hàng trùng tên với tên người hỏi mượn tiền khiến bị hại tin là bạn bè, người thân. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh xảy ra tổng cộng 40 vụ sử dụng phương thức này. 
Thứ năm: Dụ dỗ cho vay tiền tiêu dùng nhanh, thủ tục đơn giản thông qua các App lừa đảo. Khi nạn nhân đồng ý vay, đối tượng lập ra Hợp đồng vay mượn, yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân để làm thủ tục nhận tiền, yêu cầu đóng các loại phí và sẽ được nhận lại khi giải ngân. Bị hại đóng các loại phí với tâm lý đã trót nộp tiền nên phải nộp thêm để thu tiền về, có trường hợp muốn vay 10 triệu nhưng phải đóng các loại phí do đối tượng đưa ra lên đến 50 triệu đồng và bị chiếm đoạt. Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra tổng cộng 36 vụ sử dụng phương thức này.
Thứ sáu: Quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội các sàn giao dịch đầu tư tài chính thu lợi nhuận cao, hay còn gọi là giao dịch nhị phân với hình thức dự đoán xu hướng tăng hoặc giảm của các loại tiền ảo, hàng hóa… thực chất là hành vi đánh bạc để dẫn dụ nạn nhân tham gia đặt tiền và đưa ra các chiêu thức chiếm đoạt. Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra tổng cộng 40 vụ sử dụng phương thức này. 
Trong tất cả vụ lợi dụng không gian mạng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đối tượng sử dụng 100% tài khoản ngân hàng là tài khoản rác để nhận tiền chiếm đoạt của bị hại; các sim số dùng để liên lạc với bị hại là sim rác, có sử dụng dịch vụ chuyển mạng giữ số, dịch vụ chuyển vùng quốc tế để liên lạc từ nước ngoài về Việt Nam. Các tài khoản mạng xã hội trên các nền tảng zalo, facebook, viber… dùng để kết bạn, tiếp cận, liên lạc với bị hại để thực hiện hành vi lừa đảo được đối tượng đăng ký sử dụng bằng sim rác hoặc bằng hộp thư điện tử ảo. Qua tổng hợp, đánh giá thì bị hại trong các vụ án này tập trung ở lứa tuổi từ 30 đến 50, tỷ lệ nữ chiếm 78%. Về trình độ, có cả nạn nhân có trình độ Đại học, là công nhân, viên chức Nhà nước, giáo viên, nhân viên y tế, lao động tự do, nhân viên ngân hàng, bộ đội… Tỷ lệ nạn nhân ở thành thị và nông thôn tương đương nhau, dân tộc Kinh vẫn chiếm đa số. Các đối tượng đã lợi dụng nhiều yếu tố để thực hiện các phương thức lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Một trong số đó là do đời sống kinh tế của đại đa số người dân còn gặp nhiều khó khăn. Trong năm 2021, 2022 dịch bệnh Covid-19 kéo dài, các ngân hàng thương mại thắt chặt các quy định cho vay, dòng vốn vay, nhiều người mất việc làm. Các đối tượng đã triệt để lợi dụng để tiếp cận, dẫn dụ vay vốn hoặc làm việc online để kiếm thêm thu nhập, từ đó thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thêm vào đó,  các nạn nhân bị lừa đảo đa số có nhận thức hạn chế, nhận thức việc kiếm tiền, đầu tư dễ dàng nên dễ bị đối tượng lợi dụng, đánh vào lòng tham để dẫn dụ và lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin với các ứng dụng, website, đường link độc hại phát tán tràn lan; công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, viễn thông, internet, thanh toán số, trung gian thanh toán còn nhiều sơ hở, thiếu sót; đây là cơ hội để các đối tượng triệt để lợi dụng hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đó, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác và khi có thông tin liên quan đến vụ việc có thủ đoạn như trên, cần liên hệ với Ban Chỉ đạo huyện qua số điện thoại trực ban 0269.384.6113 để được hướng dẫn giải quyết./.
 
                                                                             Mỹ Duyên (tổng hợp)
 
 

Other


Thông tin bản quyền

Cơ quan: huyện Đức Cơ - tỉnh Gia Lai
Địa chỉ: Thị trấn Chư Ty - Huyện Đức Cơ - tỉnh Gia Lai
Điện thoại: (0269) 3846107 - Fax: (0269) 3846428 - Email:ubndducco@gialai.gov.vn
Người chịu trách nhiệm:
Lê Văn Thịnh - Chánh Văn phòng HĐND & UBND huyện Đức Cơ
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 23 tháng 5 năm 2018  của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
handle_cert.png