CHUYÊN MỤC

Cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

23/08/2016
Triển khai Chương trình số 3119/CTr-UBND ngày 06/7/2016 của UBND tỉnh; Ủy ban nhân dân huyện xây dựng kế hoạch nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh Gia Lai giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn huyện.
Theo đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị và hành chính công trên 6 nội dung: Sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; góp phần xây dựng nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả và phục vụ doanh nghiệp, tổ chức, công dân tốt hơn. Với các nhiệm vụ và giải pháp như:
Đẩy mạnh hoạt động tham gia của người dân ở cấp cơ sở: Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ Nội vụ về hướng dẫn tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố; giúp người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Cấp ủy Đảng và chính quyền cấp xã phải nghiêm túc thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở đối với những vấn đề nhân dân có quyền được biết, lấy ý kiến, quyết định và giám sát theo quy chế dân chủ cơ sở. Triển khai các hình thức thích hợp để nhân dân nói lên nguyện vọng, phản ánh, kiến nghị, đóng góp ý kiến đối với chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước và các cơ chế chính sách của Trung ương cũng như địa phương. Có giải pháp phù hợp để nhân dân tham gia vào các công việc của địa phương; tham gia xã hội hóa về giáo dục, y tế, chăm sóc người có công và đối tượng bảo trợ xã hội; tham gia bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường; tổ chức các mô hình tự quản để đảm bảo trật tự an toàn xã hội; tham gia bầu Thôn trưởng các thôn, làng,…; phát huy tốt vai trò của Ban thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư cộng đồng giám sát việc xây dựng mới hoặc tu sửa công trình. Các cơ quan tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy chế dân chủ ở cơ sở.
Đẩy mạnh các hoạt động công khai, minh bạch: Công khai kịp thời những chế độ, chính sách của Trung ương, địa phương hàng năm. Thực hiện quy trình điều tra, rà soát, bình xét và công nhận đối tượng hộ nghèo hàng năm theo đúng quy định, đảm bảo đúng đối tượng. Công khai, minh bạch danh sách hộ nghèo tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, thôn, làng, tổ dân phố. Xử lý nghiêm những trường hợp thực hiện không đúng các quy định về chính sách cho hộ nghèo. Thực hiện đúng các quy định về công khai, minh bạch thu chi ngân sách cấp xã. Việc công khai phải cụ thể, chi tiết, hình thức công khai phải phù hợp, thuận tiện để người dân có thể tiếp cận và giám sát. Phát huy vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã, các đoàn thể, cán bộ, công chức và nhân dân; kịp thời ngăn chặn những dấu hiệu tiêu cực, xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với những trường hợp vi phạm các quy định về quản lý tài chính, tài sản công. Các dự thảo về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương đều phải tổ chức lấy ý kiến của người dân tại nơi có đất. Thực hiện công bố, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết và khung giá đất trên các phương tiện thông tin đại chúng, Trang thông tin điện tử của huyện và niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã, nhà văn hóa thôn, làng, tổ dân phố.... Kịp thời cập nhật, công khai khi có sự điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoặc khung giá đất. Phải công khai và thông báo cụ thể về mục đích sử dụng đất, mức giá đền bù khi thu hồi đất. Công khai kế hoạch đầu tư của các dự án trên địa bàn và kết quả xử lý các vụ việc qua giám sát ở khu dân cư.
Trách nhiệm giải trình với người dân: Thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 90/2013/NĐ-CP ngày 08/8/2013 của Chính phủ về quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; Thông tư số 02/2014/TT-TTCP ngày 29/4/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 90/2013/NĐ-CP. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn phải cụ thể hóa việc thực hiện trách nhiệm giải trình trong nội dung Quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị; chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý thực hiện nghiêm trách nhiệm giải trình trước nhân dân. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, tập trung giải quyết có hiệu quả những khúc mắc, khiếu nại, tố cáo của công dân. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng tại các xã, thị trấn; chức năng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc.
Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công: Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, các văn bản có liên quan về phòng, chống tham nhũng bằng nhiều hình thức để cán bộ, công chức, viên chức biết, thực hiện và người dân giám sát việc thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng tại địa phương. Phát huy vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp và nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Có chính sách và cơ chế bảo vệ người dân khi thực hiện việc tố cáo hành vi tham nhũng. Xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị do mình phụ trách. Công khai, báo cáo kết quả phòng, chống tham nhũng hàng năm của huyện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thường xuyên khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với chất lượng các dịch vụ công; nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp chất lượng thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, đặc biệt những công việc, vị trí có khả năng xảy ra tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nghiêm túc, đúng quy định về chuyển đổi vị trí công tác; công khai các kết luận thanh tra, kiểm tra cũng như việc chấp hành kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan, đơn vị.
Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính: Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác cải cách thủ tục hành chính. Thực hiện nghiêm túc, có chất lượng công tác rà soát các quy định, thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý; kiến nghị cấp có thẩm quyền bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, không phù hợp với thực tế. Kịp thời cập nhật, niêm yết công khai đầy đủ các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết trên Trang thông tin điện tử của huyện và tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, nhất là trách nhiệm của công chức, viên chức Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức; Xây dựng, áp dụng và duy trì Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN ISO 9001:2008. Thường xuyên khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, công dân đối với chất lượng giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính: Chứng thực, cấp giấy phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Nâng cao chất lượng cung ứng các dịch vụ công: Chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính, chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục…

Other


Thông tin bản quyền

Cơ quan: huyện Đức Cơ - tỉnh Gia Lai
Địa chỉ: Thị trấn Chư Ty - Huyện Đức Cơ - tỉnh Gia Lai
Điện thoại: (0269) 3846107 - Fax: (0269) 3846428 - Email:ubndducco@gialai.gov.vn
Người chịu trách nhiệm:
Lê Văn Thịnh - Chánh Văn phòng HĐND & UBND huyện Đức Cơ
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 23 tháng 5 năm 2018  của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
handle_cert.png