CHUYÊN MỤC

Bổ sung các loại giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước; Tiền lương làm căn cứ tính chế độ với NLĐ dôi dư trong công ty nhà nước,...là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ giữa tháng 01/2023 (từ ngày 11 - 20/01/2023)

11/01/2023
1. Bổ sung quy định về trường hợp hủy đăng ký biện pháp bảo đảm

Chính phủ ban hành Nghị định 99/2022/NĐ-CP ngày 30/11/2022 về đăng ký biện pháp bảo đảm.
Untitled.png
Ảnh minh họa
Theo đó, trường hợp hủy đăng ký biện pháp bảo đảm như sau:

- Biện pháp bảo đảm đã được đăng ký mà cơ quan đăng ký nhận được bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật có quyết định về việc đăng ký phải bị hủy toàn bộ hoặc một phần;

- Biện pháp bảo đảm đã được đăng ký mà cơ quan đăng ký phát hiện thuộc trường hợp từ chối đăng ký quy định tại điểm a hoặc điểm h khoản 1 Điều 15 Nghị định 99/2022/NĐ-CP.

Trường hợp quy định tại điểm h khoản 1 Điều 15 Nghị định 99/2022/NĐ-CP thì cơ quan đăng ký thực hiện việc hủy đối với toàn bộ nội dung đã được đăng ký;

- Xử lý đăng ký trùng lặp quy định tại Điều 49 Nghị định 99/2022/NĐ-CP.

Ngoài ra, về thời hạn xử lý hủy đăng ký biện pháp bảo đảm thì ngay trong ngày làm việc có căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 99/2022/NĐ-CP, cơ quan đăng ký thực hiện:

- Ghi, cập nhật nội dung hủy đăng ký vào Sổ đăng ký hoặc vào Cơ sở dữ liệu;

- Thông báo bằng văn bản về việc hủy đăng ký theo Mẫu số 07a, Mẫu số 07d, Mẫu số 10b hoặc Mẫu số 10c tại Phụ lục cho Tòa án quy định tại điểm a khoản 1 Điều 21 Nghị định 99/2022/NĐ-CP và cho bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm, người khác đang giữ Giấy chứng nhận (nếu có).

Văn bản thông báo phải nêu rõ căn cứ hủy đăng ký và việc không công nhận kết quả đăng ký trên văn bản chứng nhận đăng ký đã cấp (nếu có) hoặc trên Phiếu yêu cầu đăng ký có chứng nhận của cơ quan đăng ký.

Trường hợp hủy đăng ký tại Văn phòng đăng ký đất đai thì văn bản thông báo phải thể hiện nội dung yêu cầu người đang giữ Giấy chứng nhận nộp lại giấy này để Văn phòng đăng ký đất đai ghi trên Giấy chứng nhận nội dung đăng ký đã bị hủy. Trường hợp Giấy chứng nhận không được nộp lại thì việc hủy đăng ký vẫn có hiệu lực.

(So với Nghị định 102/2017/NĐ-CP thì không có quy định về việc hủy đăng ký biện pháp bảo đảm.)

Nghị định 99/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/01/2023, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 56 Nghị định 99/2022/NĐ-CP, thay thế Nghị định 102/2017/NĐ-CP.

2. Tiền lương làm căn cứ tính chế độ với NLĐ dôi dư trong công ty nhà nước

Đây là nội dung được Chính phủ ban hành tại Nghị định 97/2022/NĐ-CP quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Cụ thể, tiền lương làm căn cứ tính chế độ với NLĐ dôi dư trong công ty nhà nước được tính như sau:

- Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 97/2022/NĐ-CP là tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tính bình quân của 05 năm cuối cùng trước khi nghỉ việc.

- Mức lương tối thiểu tháng tính bình quân quy định tại điểm c khoản 1, điểm b khoản 2 và điểm b khoản 4 Điều 3 Nghị định 97/2022/NĐ-CP được xác định bằng bình quân của tất cả các mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ quy định tại thời điểm người lao động nghỉ việc.

- Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc quy định tại điểm a khoản 4, điểm a khoản 5 Điều 3, Điều 4 và tiền lương làm căn cứ tính khoản tiền hỗ trợ quy định tại điểm b khoản 5 Điều 3 Nghị định 97/2022/NĐ-CP gồm:

Mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác để tính trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc ghi trong hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Nghị định 97/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/01/2023, thay thế Nghị định 63/2015/NĐ-CP và Thông tư 44/2015/TT-BLĐTBXH.

3. Bổ sung các loại giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước

Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 16/2022/TT-NHNN ngày 30/11/2022 quy định về lưu ký và sử dụng giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo đó, các loại giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước bao gồm:

- Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước;

- Trái phiếu Chính phủ;

- Trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh thanh toán 100% giá trị gốc, lãi khi đến hạn;

- Trái phiếu chính quyền địa phương được sử dụng trong các giao dịch của Ngân hàng Nhà nước theo quyết định của Thống đốc trong từng thời kỳ; (So với Thông tư 04/2016/TT-NHNN, điểm mới được bổ sung.)

- Trái phiếu đặc biệt, trái phiếu phát hành trực tiếp cho tổ chức tín dụng bán nợ để mua nợ xấu theo giá trị thị trường của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam; (Điểm mới được bổ sung.)

- Trái phiếu được phát hành bởi ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (trừ các ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc); trái phiếu được phát hành bởi tổ chức tín dụng (trừ các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt) và doanh nghiệp khác; (Điểm mới được bổ sung.)

- Các loại giấy tờ có giá khác do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định trong từng thời kỳ.

Thông tư 16/2022/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 17/01/2023, thay thế Thông tư 04/2016/TT-NHNN.

4. Quy trình giám định tư pháp theo vụ việc thuộc lĩnh vực BHXH, BHTN

Quy trình giám định tư pháp theo vụ việc thuộc lĩnh vực BHXH, BHTN là nội dung được Bộ trưởng Bộ LĐTBXH ban hành tại Thông tư 23/2022/TT-BLĐTBXH quy định về giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực BHXH, BHTN.

Cụ thể, quy trình giám định tư pháp theo vụ việc thuộc lĩnh vực BHXH, BHTN gồm các nội dung cơ bản như sau:

- Tiếp nhận trưng cầu giám định tư pháp.

- Chuẩn bị giám định tư pháp.

- Thực hiện giám định tư pháp.

- Kết luận giám định tư pháp.

- Lập, bàn giao, lưu giữ hồ sơ giám định tư pháp.

Ngoài ra, việc tổ chức thực hiện giám định tư pháp theo vụ việc thuộc lĩnh vực BHXH, BHTN như sau:

- Căn cứ từng nội dung được trưng cầu giám định, xem xét đối tượng giám định và sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đối chiếu nội dung hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật đã được cung cấp với các quy chuẩn chuyên môn để đưa ra nhận xét, đánh giá về những vấn đề có liên quan đến đối tượng cần giám định tư pháp lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Việc xem xét giám định bao gồm một hoặc một số nội dung sau: Xác định cụ thể các vấn đề cần giám định (hình thức vật mang thông tin và nội dung thông tin cần giám định...); xác định yếu tố bị xâm phạm; xác định giá trị thiệt hại và các nội dung khác theo yêu cầu của người trưng cầu (nếu có).

- Trong trường hợp phát sinh nội dung mới hoặc vấn đề khác trong quá trình thực hiện giám định, có văn bản thông báo ngay cho người trưng cầu giám định biết để thống nhất phương án giải quyết.

- Lập văn bản ghi nhận kịp thời, đầy đủ, trung thực toàn bộ quá trình và kết quả thực hiện giám định theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 23/2022/TT-BLĐTBXH.

Thông tư 23/2022/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 10/01/2023.
Trần Thị Ngọc
 

Other


Thông tin bản quyền

Cơ quan: huyện Đức Cơ - tỉnh Gia Lai
Địa chỉ: Thị trấn Chư Ty - Huyện Đức Cơ - tỉnh Gia Lai
Điện thoại: (0269) 3846107 - Fax: (0269) 3846428 - Email:ubndducco@gialai.gov.vn
Người chịu trách nhiệm:
Lê Văn Thịnh - Chánh Văn phòng HĐND & UBND huyện Đức Cơ
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 23 tháng 5 năm 2018  của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
handle_cert.png