CHUYÊN MỤC

ĐỨC CƠ, CHÚ TRỌNG PHÁT TRIỂN VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM OCOP

02/12/2022
Thưa quý vị và các bạn! Chương trình “Mỗi xã một phẩm” OCOP- của huyện Đức Cơ đã được triển khai gần 3 năm nay và đạt được nhiều kết quả tích cực. Việc đẩy mạnh phát triển những sản phẩm Ocop, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất và từng bước xây dựng thương hiệu riêng của địa phương.      Trong chương trình hôm nay, chúng tôi sẽ có bài viết phản ánh về công tác phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm Ocop trên địa bàn.
Untitled.png
Ảnh minh họa
Đầu năm 2020, Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ huyện Đức Cơ xác định, xây dựng các sản phẩm Ocop, hỗ trợ nông dân tham gia chuỗi giá trị, phát triển kinh tế nông nghiệp. Ngay sau đó, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” với quyết tâm cao. Theo chỉ đạo của huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã hướng dẫn các chủ thể đăng ký sản phẩm ngay từ đầu năm; xét chọn ý tưởng sản phẩm để tham gia đánh giá cấp tỉnh. Đồng thời, huyện cũng định hướng xúc tiến thương mại, giúp các cơ sở xây dựng hệ thống bán hàng qua Website để từng bước tiếp cận thị trường. Nhờ triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp nên đến nay toàn huyện đã có 17 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh, trong đó có 4 sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao. Nhiều sản phẩm đạt chuẩn Ocop thuộc danh mục mặt hàng có lợi thế cạnh tranh của huyện như: cà phê, hạt điều. Hiện nay, những sản phẩm Ocop đã được người tiêu dùng đón nhận và phân phối ra thị trường trong và ngoài tỉnh.
Ông Nguyễn Quốc Tư-Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đức Cơ cho biết thêm: “Đây là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế địa phương, vì địa phương có ngành nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo, đồng thời thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới thì để phát triển nông thôn mới cũng như phát triển kinh tế thì cần phải đầu tư, tập trung xây dựng các sản phẩm để mang lại giá trị cao cho người nông dân”
Huyện Đức Cơ vốn có tiềm năng phát triển và lợi thế về cây cà phê. Vì thế, trong số 17 sản phẩm Ocop thì có tới 5 sản phẩm từ cà phê. Trong số này phải kể đến sản phẩm cà phê bột của hộ kinh doanh Nguyễn Văn Hân, làng Le 2, xã Ia Lang. Để có được sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao cấp tỉnh, Cơ sở của anh Hân đã ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng vào sản xuất nên sản phẩm cà phê bột Nguyễn Hân Coffee Farm. Cơ sở cũng mạnh dạn áp dụng công nghệ, chuyển đổi số trong triển khai Chương trình Ocop, sử dụng tem truy xuất nguồn gốc để quản lý sản phẩm và sử dụng phần mềm bán hàng, chú trọng xây dựng mô hình liên kết sản xuất nhằm chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào. Theo chia sẻ của anh Nguyễn Văn Hân, từ khi triển khai xây dựng sản phẩm Ocop, cơ sở của anh đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía cơ quan chức năng. Chính sự hỗ trợ đó, cà phê Nguyễn Hân đã xây dựng được bộ sản phẩm cà phê bột rang xay nguyên chất và cà phê hạt đóng gói. Sản phẩm cà phê Nguyễn Hân hiện đã có mặt trên thị trường trong tỉnh và cả một số tỉnh, thành phố lớn như Đà nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.
Anh Nguyễn Văn Hân, làng Le 2 xã Ia Lang, huyện Đức Cơ nói:  “Cái mong muốn của tôi là để tạo được nguồn nguyên liệu ổn định cho sản phẩm Ocop cũng như vươn xa ra thị trường, thì tôi cũng mong muốn và hỗ trợ cho bà con liên kết với chúng tôi để làm sao tạo ra nguồn nguyên liệu nó dồi dào để khi tiếp cận được những thị trường lớn thì nguồn nguyên liệu nó sẵn có. “Sản phẩm của em từ khâu trồng cho đến khâu sơ chế, rang xay để ra sản phẩm cà phê tinh bột. Nó khác thường là em sơ chế theo phương pháp hiện đại. Có nghĩa là cà phê được hái 100% trái chin phơi trên giàn. Sau khi hái về rồi rửa xong rồi phơi xạc nhân và lựa chọn nhân đạt nhất đưa vào rang xay”       
          Hiện nay, Đức Cơ được xem là thủ phủ của cây điều của tỉnh Gia Lai với gần 27 nghìn héc ta. Những năm gần đây, nhiều cơ sở trên địa bàn huyện đã bắt đầu chế biến sản phẩm hạt điều và xây dựng thương hiệu điều Đức Cơ. Sản phẩm hạt điều rang muối từ các cơ sở của huyện hiện đã có mặt ở nhiều địa phương. Cơ sở chế biến nhân hạt điều của chị Nguyễn Thị Gấm - Thôn Thanh Giáo, xã Ia Krêl là một trong những cơ sở đi vào hoạt động được hơn 5 năm nay. Khởi nghiệp từ năm 2016, đến nay, cơ sở của chị Gấm đã được chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và sản phẩm hạt điều rang muối Anh Dương đã được công nhận là sản phẩm Ocop. Tại cơ sở Hiệp Gấm mọi quy trình gia công, chế biến đều được thực hiện thủ công và không sử dụng chất bảo quản nên được thị trường ưa chuộng và ngày càng phát triển.
Chia sẻ về mô hình của gia đình, Chị Nguyễn Thị Gấm- Thôn Thanh Giáo xã Ia Krêl cho biết thêm: Đơn giản thì ý tưởng ban đầu của mình nghĩ là dân mình ở đây làm điều, cây điều rất nhiều, nhưng hiện tại trên địa bàn mình không thấy có tách hạt điều như thế này để cho bà con nông dân có cái sản phẩm từ bàn tay mình làm ra, để được ăn; nghĩ tại sao dân mình có cây điều mà lại không được ăn hạt điều, đơn giản nghĩ như vậy thôi. Bắt đầu khởi nghiệp của mình thì cũng không có gì là được đào tạo, học hành cả. Tất cả là tự bản thân mình sáng tạo nên, tìm tòi cách để làm hạt điều. Đến khi sản phẩm ra thì gia đình mình ăn trước nhất, sau đó gửi đến anh em bà con, sau đến là nhiều người họ biết đến, họ cứ đem đến rồi mình làm cho người ta, gia công cho người ta, từ đó trở đi là có cái thương hiệu của mình” 
Những năm gần đây, thị trấn Chư Ty là địa phương có diện tích cây ăn quả tăng nhanh với hơn 150 héc ta. Bước đầu, những diện tích cây ăn quả này đã đem lại nguồn thu đáng kể cho nông dân và giải quyết tình trạng nương rẫy bị bỏ hoang. Tuy nhiên, về lâu dài khi diện tích cây ăn quả tăng cao, sản phẩm làm ra sẽ không có nơi tiêu thụ và lại là gánh nặng cho nông dân. Vì vậy sau một thời gian dài chuẩn bị, vào tháng 9 năm 2020, thị trấn Chư Ty chính thức ra mắt mô hình nông hội cây ăn quả với 50 hội viên. Khi tham gia tổ nông hội, hội viên cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, liên kết, hỗ trợ nhau trong quá trình trồng, chăm sóc vườn cây. Về lâu dài, tổ Nông hội sẽ giúp hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định. Nông dân sẽ yên tâm sản xuất để mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Ông Nguyễn Anh Hào-Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ nói: “Được sự chỉ đạo của Đang ủy, chỉ đạo cho UBND và hội Nông dân và các hội đoàn thể thành lập các mô hình nông hội để liên kết bà con cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng. Mục đích của hội này là tập hợp, liên kết bà con cùng sở thích trồng cây ăn quả để trao đổi, tư vấn, tham quan và su đó là Liên Kết lưu thông hàng hóa tiêu thụ sản phẩm cho bà con, cái quan trọng hơn là bà con được giao lưu chia sẻ lẫn nhau”
          Anh Nguyễn Văn Nam-làng Nẻ, xã Ia Din đã từng nếm trải nhiều lần thất bại với các loại cây trồng khác nhau. Khi gia đình lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, được bạn bè giới thiệu anh mạnh dạn phá bỏ vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp để đầu tư trồng mới gần 300 gốc bưởi da xanh. Được sự tuyên truyền, vận động  của cơ quan chức năng anh Nam đã thực hiện quy trình chăm sóc hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, sản phẩm bưởi da xanh của anh Nam là một trong những sản phẩm được chứng nhận sản phẩm Ocop của huyện Đức Cơ.
Anh Nguyễn Văn Nam-Làng Nẻ, xã Ia Din, huyện Đức Cơ nói: Tất nhiên là thị trường mình làm bây giờ mình bắt đầu vươn tầm thì mình nhận thức được sản phẩm OCOP rất có tác dụng, hàng mình bây giờ ngoài công tác chăm sạch hữu cơ rồi được mọi người trên toàn tỉnh đón nhận và nhiệt liệt ủng hộ cho nên mình rất hoan nghênh sản phẩm OCOP này cảm thấy rất có tác dụng, hỗ trợ nông dân rất là nhiều.      
          Không chỉ những sản phẩm trái cây sạch mà những sản phẩm như Hoa Lan cũng được nông dân Đức Cơ chọn để xây dựng sản phẩm Ocop của huyện. Xuất phát từ tình yêu, niềm đam mê hoa Lan, chị Trần Thị Thu Thủy, chủ vườn lan Phi Điệp-Kha Ly thị trấn Chư Ty đã khôi phục, lưu giữ Gen của nhiều giống Lan quý hiếm. Và sản phẩm lan Kha ly cũng đã được công nhận là sản phẩm Ocop 3 sao cấp tỉnh và đem về niềm vui cho gia đình.
Chị Trần Thị Thu Thủy-Tổ dân phố 1 thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ chia sẻ: Nhờ sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương, gia đình đã mạnh dạn nhân rộng mô hình nhà vườn ra,hiện tại đã nhân rộng và bảo tồn hơn 200 mặt hoa từ các vùng miền,các anh em trên cả nước gửi về. Cho tới hiện nay thương hiệu vườn Lan Kha Ly cũng có mặt trên khắp cả nước và anh, em trong giới chơi Lan đón nhận nhiệt tình.        
          Ngoài việc xây dựng sản phẩm Ocop từ cây công nghiệp, những năm qua, huyện Đức Cơ đã chú trọng xây dựng các sản phẩm Ocop là những sản phẩm chăn nuôi, trong đó có thịt heo sấy. Để bảo tồn nguồn Gen của giống lợn sọc dưa-một giống lợn hoang được thuần hóa, năm 2020 Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đức Cơ đã phối hợp với các xã thực hiện mô hình chăn nuôi theo quy trình VietGap. Từ khi triển khai mô hình bảo tồn giống lợn quý Brong, ngoài số lợn giống đã hỗ trợ cho các hộ khác, những gia đình đầu tiên tham gia mô hình đã có con giống để bán ra thị trường với giá cả ổn định và có nguồn thu nhập. Giống lợn Brong thích nghi với cách nuôi bán chăn thả, dễ chăm sóc nên lợn sinh trưởng, phát triển tốt, rất phù hợp với tập quán chăn nuôi của bà con dân tộc thiểu số ở địa phương. Về lâu dài, những sản phẩm từ lợn Brong cũng sẽ được địa phương ưu tiên để xây dựng thương hiệu sản phẩm Ocop. 
Anh Đinh Hồ Lanh- Làng Pnuk, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ nói: “Ở huyện cũng hỗ trợ cho em tiền mua con giống và xây chuồng trại này nọ. Trong quá trình đó em đã nuôi thành 4 con giống là con cái và 1 con đực trong quá trình nuôi thì giờ đã thành 4 con mẹ rồi một con mẹ đã sinh sản. Tới năm nay em đã phát lại cho 5 con để trả lại số tiền nhà nước hỗ trợ cho để nuôi thành mô hình” 
          Hiện nay, 17 sản phẩm Ocop của huyện Đức Cơ đã và đang phát huy lợi thế để Đức Cơ phát huy tiềm năng của địa phương và tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm Ocop hướng đến duy trì phát triển bền vững. Về lâu dài huyện sẽ kêu gọi, thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; tạo chuỗi liên kết phát triển sản xuất, đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của địa phương để gia tăng giá trị của các sản phẩm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống người dân.
Ông Nguyễn Quốc Tư-Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Cơ cho biết thêm: “Để tiếp tục hỗ trợ nông dân xây dựng sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh trở lên điều đầu tiên chúng tôi quan tâm là vấn đề quy hoạch và chuẩn bị nguồn, vùng nguyên liệu. Thì OCOP cấp tỉnh người ta quan tâm đầu tiên là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm là hàng đầu cho nên tất cảcác sản phẩm nông sản khi mang ra thị trường nông sản thô và đã qua chế biến thì cần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là đều đầu tiên. Do đó ngành chuyên môn chúng tôi sẽ tham mưu huyện hỗ trợ cho nông dân xây dựng quy trình sản xuất tốt, tức là phải có giấy chứng nhận thứ nhất là VietGap, hoặc hữu cơ hoặc atsat về an toàn vệ sinh thực phẩm    
Với những kết quả bước đầu, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” ở huyện Đức Cơ đã góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn. Chương trình này cũng giúp khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân và là cơ hội để Đức Cơ mở rộng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; từng bước đưa các mặt hàng nông sản của địa phương vươn ra thị trường trong, ngoài nước. Với việc chủ động trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất công nghệ cao để hướng đến phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm Ocop là một trong những giải pháp phù hợp và cần thiết để phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Đức Cơ.
 
 
                                                                              Văn Biên -Thanh Tịnh
 

Other


Thông tin bản quyền

Cơ quan: huyện Đức Cơ - tỉnh Gia Lai
Địa chỉ: Thị trấn Chư Ty - Huyện Đức Cơ - tỉnh Gia Lai
Điện thoại: (0269) 3846107 - Fax: (0269) 3846428 - Email:ubndducco@gialai.gov.vn
Người chịu trách nhiệm:
Lê Văn Thịnh - Chánh Văn phòng HĐND & UBND huyện Đức Cơ
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 23 tháng 5 năm 2018  của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
handle_cert.png