Nhằm giảm thiểu thiệt hại do sâu bệnh gây ra, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật vừa ban hành Văn bản hướng dẫn các địa phương các biện pháp phòng trừ sinh vật gây hại trên cây trồng.

Ảnh minh họa
Trên cây cà phê: Những vườn bị nhiễm rệp sáp: Đối với vườn mật độ thấp có thể sử dụng các loại thuốc sinh học như: Nhóm Abamectin, Azadirachtin, Nấm tím (Paecilomyces), Nấm trắng (Beauveria), Nấm Xanh (Metarhizium), ...; Đối với vườn mật độ cao nên sử dụng các loại thuốc hóa học có hoạt chất sau: Alpha-Cypermethrin, Beta-cypermethrin, Acetamiprid, Spirotetramat, ... các loại thuốc trên cần pha theo nồng độ hướng dẫn trên nhãn bao bì để phun, phun đủ lượng nước thuốc và phun kỹ vào những cây, cành, chùm quả bị rệp gây hại; Chú ý nên phun cục bộ cây bị nhiễm. Tưới đủ nước cho cây sinh trưởng phát triển tốt. Đối với bệnh gỉ sắt phun cục bộ những cây bị nhiễm bằng các thuốc Anvil 5SC, Tilt 300ND,... Cần làm cành, tạo tán thông thoáng ngay sau khi thu hoạch xong. Thường xuyên vặt bỏ chồi vượt, cắt bỏ cành bị sâu bệnh hại nặng đem ra ngoài tiêu hủy.
Trên cây tiêu:
Đối với vườn tiêu kinh doanh: Vệ sinh đồng ruộng, thu gom tàn dư cây bệnh tiêu hủy phòng bệnh cho cây tiêu. Tiếp tục tổ chức phòng trừ sâu bệnh cho vườn tiêu như tuyến trùng, vàng lá thối rễ tơ, ... Cần phân loại vườn tiêu thành 3 cấp (nhẹ, trung bình, nặng) để đưa ra giải pháp phòng trừ phù hợp. Đối với vườn bị tuyến trùng rễ và bệnh thối rễ tơ: Dùng Tervigo 020 SC 300 ml + Ridomil Gold 68 WP 600 g pha vào 200 lít nước dùng để tưới gốc, tưới 4 lít nước thuốc /gốc. Đối với những vườn tiêu bị tuyến trùng nặng sử dụng các loại thuốc BVTV như Map logic 90 WP, Tervigo 020 SC, … tưới hoặc rải vào gốc để diệt trừ. Đối với bệnh thán thư sử dụng các loại thuốc BVTV như Antracol 70 WP, Revus opti 440 EC,... phun theo nồng độ khuyến cáo trên nhãn mác. Những vườn tiêu đã thu hoạch xong cần xiết nước nước tưới để cây ra hoa tập trung.
Đối với vườn tiêu kiến thiết cơ bản: Tiếp tục chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo đúng quy trình chăm sóc cây tiêu giai đoạn kiến thiết cơ bản để cây sinh trưởng, phát triển tốt. Chủ động thực hiện các giải pháp kỹ thuật đã hướng dẫn để phòng sâu bệnh cho vườn tiêu trong mùa khô.
Trên cây mía: Tập trung theo dõi phòng trừ bọ hung, xén tóc, sâu đục thân. Tiến hành thu hoạch đối với những diện tích mía đã chín, thường xuyên kiểm tra, vệ sinh đường băng, đề phòng không để mía cháy.
Trên cây sắn: Tiếp tục chỉ đạo tổ chức nhổ bỏ tiêu hủy ngay các cây sắn bị bệnh khảm lá virus hại sắn trên đồng ruộng; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về cách phát hiện bệnh và các biện pháp phòng trừ. Kiểm soát chặt chẽ nguồn giống, khi trồng mới, không lấy giống ở những ruộng sắn bị bệnh khảm lá virus.
Trên cây lúa: Áp dụng chương trình IPM, ICM vào sản xuất.
Trên cây rau các loại: Thường xuyên vận động, hướng dẫn, chỉ đạo nông dân thực hiện quy trình sản xuất rau an toàn, rau VIETGAP như làm đất kỹ, bón phân cân đối hợp lý, ưu tiên sử dụng thuốc trừ sâu có nguồn gốc thảo mộc, sinh học, chỉ sử dụng thuốc trong danh mục cho rau và đảm bảo đúng thời gian cách ly trong sử dụng thuốc BVTV và phân bón vô cơ nhất là đạm và các loại phân bón lá.
Kiều Nhung