CHUYÊN MỤC

KPUIH TUI-THÔN TRƯỞNG TIÊN PHONG TRỒNG RỪNG

03/12/2022
Thưa quý vị và các bạn! Từ khi triển khai kế hoạch số 1123 của UBND tỉnh Gia Lai về thu hồi diện tích rừng bị lấn chiếm để chuyển cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng, làng Nẻ, xã Ia Din là một trong những làng có nhiều diện tích đất được phủ xanh bởi cây rừng. Có được thành tích này, nhờ công rất lớn của Bí thư chi bộ, kiêm thôn trưởng Kpuih Tui. Bài viết sau đây, chúng tôi sẽ giới thiệu về mô hình trồng rừng của Kuih Tui.
Untitled.png
Ảnh minh họa
Đầu 2018, huyện Đức Cơ bắt đầu triển khai chủ trương của tỉnh về thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm để chuyển đổi cây trồng phù hợp và trồng rừng. Ban đầu do người dân chưa hiểu rõ mục đích của việc thu hồi đất rừng nên còn có tâm lý e ngại, sợ mất đất sản xuất. Tuy nhiên sau khi được địa phương tuyên truyền, vận động một số gia đình tại làng Nẻ, xã Ia Din đã đăng ký trồng rừng trên những diện tích đất rừng bị lấn chiếm và diện tích đất trồng cây nông nghiệp khác kém hiệu quả. Gia đình anh Kpuih Tui là gia đình đầu tiên của làng Nẻ và xã Ia Din đăng ký trồng rừng. Anh Kpuih Tui cho biết, trước kia diện tích đất gần 2 héc ta đất của gia đình,anh đều trồng cây mì và cây điều nhưng năng suất không cao. Đang lúc loay hoay suy nghĩ không biết trồng cây gì thì được xã tuyên truyền, vận động trồng cây rừng theo chủ trương của Tỉnh. Ban đầu anh Tui cũng băn khoăn vì chưa biết trồng rừng sẽ thế nào. Nhưng rồi suy đi, tính lại, anh quyết định đăng ký trồng rừng sản xuất trên diện tích đất trồng cây công nghiệp kém hiệu quả. Khi bắt đầu trồng rừng, gia đình Kpuih Tui  được xã hỗ trợ hơn 5.000 cây giống bạch đàn và 9.000 cây giống keo lai. Đến nay sau gần 5 năm trồng rừng, diện tích keo lai và bạch đàn của gia đình anh đã phát triển xanh tốt. Trong 2 năm gần đây, mô hình trồng rừng của gia đình anh Tui là điểm thăm quan, học hỏi kinh nghiệm của nhiều đoàn công tác trong tỉnh.
Anh Kpuih Tui, Làng Neh, xã Ia Din, huyện Đức Cơ chia sẻ: “Trước đây thì nhà tôi trồng mì, trồng điều nó không hiệu quả, năm 2018 được cán bộ kêu gọi vận động tôi đã chuyển sang trồng bạch đàn và keo lai. Ban đầu tôi trồng 2 héc sau thấy nó hiệu quả thì trồng thêm 6 héc bây giờ thấy nó phát triển rất là tốt. Tôi thấy là khi mình trồng cây rừng thì nó hợp với đất ở đây hơn nên cây nó phát triển vì vậy tôi cũng vận động bà con dân làng cùng trồng”
Từ khi mô hình trồng rừng của gia đình Kpui Tui phát triển xanh tốt, bà con làng Nẻ xã Ia Din đã có cái nhìn khác về chủ trương thu hồi đất rừng để trồng cây lâm nghiệp và trồng rừng. Bà con dân làng đã hiểu được việc thu hồi đất rừng bị lấn chiếm không phải là nhà nước lấy lại đất của người dân mà trên thực tế Nhà nước còn tạo điều kiện để bà con trồng rừng trên diện tích đất ấy. Sau này khi cây rừng phát triển bà con sẽ là người quản lý, khai thác diện tích rừng này. Dưới tán rừng bà con vẫn có thể sản xuất, chăn nuôi vừa bảo vệ rừng. Vì vậy, hiện nay, Kpuih Tui luôn tích cực tuyên truyền, vận động bà con trồng rừng để nâng cao thu nhập và góp phần bảo vệ môi trường. Nhờ Kpuih Tui tích cực tuyên truyền, vận động nên đến nay, bà con làng Nẻ đã trồng được hơn 50 héc ta rừng các loại.
Anh Kpuih Tui, Làng Neh, xã Ia Din, huyện Đức Cơ cho biết thêm: “Bây giờ bà con cảm thấy Tui trồng được thì bây giờ bà con ai cũng nhiệt tình trồng cây keo. Trong thời gian tới thì chắc chắn bà con sẽ trồng thêm, vận động các hộ ai cũng muốn trồng cây keo, nó có năng suất hơn; cây điều với cây mì nó bạc màu, không có hiệu quả thì mới trồng cây keo được; vận động bà con thay đổi những cây nào trồng không được, lên không được thì mới trồng cây keo được, nó mới tốt”       
Đầu năm 2022, hội nông dân xã Ia Din đã thành lập tổ hội nghề nghiệp trồng rừng và thôn trưởng Kpuih Tui lại được tín nhiệm là tổ trưởng. Trên cương vị của mình vừa là Bí thư Chi bộ, là thôn trưởng lại là tổ trưởng tổ hội trồng rừng nên Kpuih Tui luôn hăng hái tham gia các hoạt động ở địa phương. Anh tiếp tục tuyên truyền vận động bà con dân làng tham gia trồng rừng trên diện tích đất trồng cây công nghiệp kém hiệu quả và diện tích đất lâm nghiệm lấn chiếm. Trao đổi với chúng tôi bà Nguyễn Thị Thu Huề-Chủ tịch hội Nông dân xã Ia Din cho biết, hiện nay, Tổ hội nghề nghiệp trồng rừng tại làng Nẻ xã Ia Din đã thu hút được 25 thành viên với hơn 50 héc ta rừng trồng. Diện tích này được trồng bằng các loại cây phù hợp với chất đất của địa phương như bạch đàn, keo lai và gáo vàng. Hiện nay, diện tích cây rừng đang phát triển tốt hứa hẹn cho sản lượng cao khi đến kỳ khai thác. Bà Nguyễn Thị Thu Huề cũng cho biết, tổ trưởng Kpuih Tui luôn thường xuyên trao đổi, giúp đỡ, chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm trong quá trình trồng và chăm sóc cây rừng cho bà con dân làng.
 Bà Nguyễn Thị Thu Huề-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Din, huyện Đức Cơ cho biết thêm: “Hội Nông dân cũng đã thành lập được 1 Tổ hội trồng rừng gồm 25 thành viên với diện tích là 50,5 héc ta. Tất cả các thành viên đều nhận thức được rằng trồng rừng nhằm mục đích bảo vệ môi trường cũng như là tăng thu nhập rất tốt. Trong thời gian tới, các thành viên trong Tổ sẽ tuyên truyền, vận động các hộ dân có diện tích trồng cây hoa màu bạc màu ở vùng lân cận tiếp tục trồng rừng để mở rộng ra thành Chi hội trồng rừng trong năm  
Từ mô hình trồng rừng của Bí thư chi bộ, kiêm thôn trưởng Kpuih Tui, giờ đây bà con làng Nẻ, xã Ia Din đã có nhận thức mới, đúng đắn hơn về chủ trương trồng rừng. Việc chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng rừng ở xã Ia Din đã cho thấy những tín hiệu vui. Qua đó góp phần phát triển diện tích rừng trồng tập trung, bảo vệ môi trường sống và về lâu dài sẽ góp phần giúp bà con xóa đói, giảm nghèo./.
 
                                                                                             Thanh Tịnh
 
 

Other


Thông tin bản quyền

Cơ quan: huyện Đức Cơ - tỉnh Gia Lai
Địa chỉ: Thị trấn Chư Ty - Huyện Đức Cơ - tỉnh Gia Lai
Điện thoại: (0269) 3846107 - Fax: (0269) 3846428 - Email:ubndducco@gialai.gov.vn
Người chịu trách nhiệm:
Lê Văn Thịnh - Chánh Văn phòng HĐND & UBND huyện Đức Cơ
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 23 tháng 5 năm 2018  của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
handle_cert.png