|
HIỆU QUẢ TỪ MÔ HÌNH TRỒNG DÂU NUÔI TẰM TẠI XÃ IA DƠK
12/10/2022
Thời gian qua, nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ đã mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chuyển đổi những cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang các mô hình sản xuất phù hợp với thực tiễn địa phương. Đến nay, các mô hình này đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên phụ nữ. Mô hình trồng dâu nuôi tằm tại thôn Ia Mang, xã Ia Dơk là một trong những minh chứng cụ thể.

Ảnh minh họa
Năm 2019, được sự giới thiệu của một người quen tại huyện Ia Grai, chị Phan Thị Quyên - hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Ia Mang, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ đã quyết định phá bỏ vườn hồ tiêu kém hiệu quả sang trồng dâu, nuôi tằm. Gia đình chị được phía công ty cung cấp con giống, các phương tiện sản xuất cần thiết và thu mua sản phẩm từ việc nuôi tằm. Thời gian đầu, do ảnh hưởng của dịch Covid -19 việc nuôi tằm gặp nhiều khó khăn nhưng cũng dần đi vào ổn định. Với những kinh nghiệm đã tích lũy được từ khi còn nuôi tằm ở quê, gia đình chị Quyên đã nhanh chóng phát huy được hiệu quả. Hiện nay, với gần 3 sào dâu được trồng tại khu vườn của gia đình, mỗi tháng gia đình chị Quyên nuôi được hai lứa tằm và đem về nguồn thu ổn định khoảng 20 triệu đồng. Chị Phan Thị Quyên-Chi hội Phụ nữ thôn Ia Mang, xã Ia Dơk chia sẻ: “Trồng dâu này thì nói tóm lại nó ngắn hạn, nuôi con tằm này thì thời gian ngắn nên năng suất vẫn cao hơn là trồng cà, cao su, điều, tiêu. Bởi vì con tằm này nuôi trong vòng có nửa tháng thôi là được thu chứ không như cái kia mà diện tích không đòi hỏi phải nhiều. Mình thì nuôi thấy con tằm này rất chi là okê, cũng đạt năng suất, so với cà phê thì hơn nhiều. Về công việc thì cũng đều đều thôi, không có kén người, không cần phải trẻ khỏe, người già làm cũng được, người trẻ làm cũng được. Nuôi con tằm này thì thường xuyên chú ý đến nó, thỉnh thoảng lọc con kẹ, con còi thôi chứ không có vấn đề gì cả.”
Trước kia, trên diện tích đất vườn, gia đình chị Nguyễn Thị Thái - thôn Ia Mang, xã Ia Dơk trồng cà phê. Tuy nhiên, trong nhiều năm liền, cây cà phê đã già cỗi, năng suất thấp; trong khi giá vật tư nông nghiệp, phân bón lại tăng cao nên không hiệu quả. Do đó, từ đầu năm nay, gia đình chị đã mạnh dạn phá bỏ 300 cây cà phê để chuyển sang trồng dâu, nuôi tằm. Nhờ tích cực học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm từ các chị em trong Chi hội Phụ nữ nên đến nay, mô hình nuôi tằm của gia đình chị Thái đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Khi mô hình đã phát triển, với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Ia Mang, chị Thái cũng nhiệt tình hướng dẫn và truyền lại kinh nghiệm sản xuất cho các hội viên có nhu cầu áp dụng mô hình này tại gia đình. Chị Nguyễn Thị Thái-Chi hội Phụ nữ thôn Ia Mang, xã Ia Dơk cho biết thêm: “Ngày xưa trồng cà phê nhưng mà phân cao nên chị chuyển sang trồng dâu, nuôi tằm nó đạt hiệu quả cao hơn. Trồng cà phê thì phân, tro đắt cho nên chị đã phá 300 cây cà phê, chị nuôi tằm từ đầu năm đến giờ cũng được mấy tháng rồi. 1 tháng thì chị nuôi được hai lứa thì cho hiệu quả rất là cao. Mỗi lứa trong vòng 15 ngày, mỗi lứa sau khi trừ chi phí hết thuốc men đi rồi, giống này, vôi này, trừ chi phí thì mỗi lứa cũng đạt hiệu quả là 1 hộp được 10 triệu, mà một tháng 2 lần nuôi thì được 20 triệu, cũng đạt hiệu quả cao cho nên tới đây chị cũng tiếp tục phá cà phê để trồng nữa. Cái gì đạt hiệu quả cao thì mình cũng tăng thêm và cũng muốn bà con biết đến, trồng theo mình và làm theo mô hình như mình.”
Trao đổi với chúng tôi, chị Lê Thị Hiền-Phó chủ tịch hội LHPN xã Ia Dơk cho biết, hiện nay, tại thôn Ia Mang, xã Ia Dơk đã có 7 hộ hội viên phụ nữ thực hiện mô hình trồng dâu, nuôi tằm trên diện tích trồng cây công nghiệp kém hiệu quả. Điều kiện khí hậu, thời tiết và đất đai tại địa phương khá phù hợp cho việc thực hiện mô hình này. Thêm vào đó, đầu ra cho sản phẩm ổn định nên các hộ gia đình yên tâm trong quá trình sản xuất. Việc triển khai mô hình đã góp phần quan trọng trong nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên phụ nữ, giúp chị em vươn lên làm giàu chính đáng. Chị Lê Thị Hiền-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Dơk cho biết:“Qua quá trình xây dựng mô hình đây thì cũng tạo công ăn việc làm cho chị em, hội viên phụ nữ. Qua đó thì thấy mô hình này về thời gian và năng suất đảm bảo, nguồn thu cao, giúp nâng cao đời sống cho chị em phụ nữ trong thôn. Sản phẩm nuôi tằm đây đến thời điểm này thì nguồn đầu ra rất ổn định. Về kinh phí thì chị em cũng có thời gian để trả kinh phí cho đầu tư đầu vào, cái phần đầu ra thì người ta thu mua luôn. Trong thời gian tới thì Hội Phụ nữ xã cũng xây dựng Kế hoạch tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và Hội cấp trên tổ chức lồng ghép, xây dựng mô hình kết nghĩa giữa Chi hội người địa phương với chi hội người Kinh để mà trao đổi kinh nghiệm nuôi con tằm này.”
Không chỉ có mô hình trồng dâu, nuôi tằm, hiện nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên chuyển đổi cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang các mô hình sản xuất khác cho năng suất, hiệu quả cao hơn. Những mô hình mới đã phát huy hiệu quả rõ rệt, giúp nâng cao đời sống cho chị em và góp phần thực hiện tốt công tác xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo tại địa phương./.
Mỹ Duyên – Thanh Tịnh

|