TUYÊN TRUYỀN CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO VỆ RỪNG, PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG
Hiện nay, trên địa bàn huyện Đức Cơ đang trong thời kỳ cao điểm của mùa khô, nguy cơ xảy ra cháy rừng ở hầu hết các địa phương thường xuyên ở cấp V -cấp cực kỳ nguy hiểm. Để chủ động đối phó với nguy cơ tiềm ẩn cháy rừng xảy ra và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, cần nâng cao nhận thức cho người dân về các quy định của pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và PCCC rừng, đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCC rừng
Ảnh minh hoạ
*Người dân, cần tuân thủ các điều kiện an toàn về phòng cháy đối với khu rừng như sau:
- Khi đốt nương, rẫy, đồng ruộng, đốt thực bì để chuẩn bị đất trồng rừng và làm giảm vật liệu cháy trong rừng, người sử dụng lửa phải thực hiện:
+ Biện pháp an toàn phòng cháy và chữa cháy;
+ Không đốt vào những ngày có dự báo nguy cơ cháy rừng ở cấp IV, cấp V. Trong ngày, tiến hành đốt lúc gió nhẹ, vào trước 9 giờ buổi sáng và sau 16 giờ buổi chiều;
+ Trước khi đốt phải thông báo với trưởng thôn, bản, tổ đội phòng cháy, chữa cháy rừng, Kiểm lâm địa bàn. Trong khi đốt phải bố trí người canh gác, có đủ dụng cụ để dập lửa khi cháy lan vào rừng; sau khi đốt xong phải dập tắt hết tàn lửa.
- Người phát hiện cháy rừng phải bằng mọi cách báo cháy ngay cho người xung quanh và cho một hoặc các đơn vị sau đây: Chủ rừng; Đội phòng cháy và chữa cháy rừng nơi gần nhất; Cơ quan Kiểm lâm; Chính quyền địa phương sở tại hoặc cơ quan Công an, Quân đội nơi gần nhất.
- Trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sinh sống, hoạt động ở trong rừng, ven rừng:
+ Thực hiện các quy định, nội quy, điều kiện an toàn, biện pháp về phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy định của pháp luật.
+ Đôn đốc nhắc nhở các thành viên trong gia đình thực hiện quy định, nội quy, các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng. Đặc biệt là các hộ gia đình có diện tích rừng trồng tập trung từ năm 2017 đến nay.
+ Phối hợp với chủ rừng, các hộ gia đình, cơ quan, tổ chức trên địa bàn trong việc bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng; không gây nguy hiểm cháy đối với các khu rừng.
+ Tham gia các hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
+ Bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng khi được phép sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt và bảo quản, sử dụng chất cháy trong rừng và ven rừng.
+ Ngăn chặn và báo kịp thời khi phát hiện nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy rừng và hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng; báo cháy và chữa cháy kịp thời khi phát hiện cháy và chấp hành nghiêm lệnh huy động tham gia chữa cháy rừng.
Phòng cháy chữa cháy rừng là trách nhiệm của toàn dân do vậy hãy nâng cao ý thức trách nhiệm, tuân thủ nghiêm túc các quy định trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Mọi hành vi gây cháy rừng dù trực tiếp hay gián tiếp đều phải chịu trách nhiệm trước Pháp luật.
Nghiêm cấm các hành vi phá rừng, lấn chiếm, cơi nới đất rừng, đốt rừng làm nương rẫy, các hành vi săn bắt, vận chuyển, buôn bán các loài thực vật rừng, động vật rừng trái với quy định của pháp luật.
Mọi người dân cùng chung tay bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, không sử dụng gỗ, củi rừng tự nhiên không có nguồn gốc hợp pháp làm nguyên liệu sản xuất, đốt than.
* Đối với Chính quyền địa phương các cấp, các ngành liên quan và các đơn vị chủ rừng:
Cần theo dõi, kiểm tra, phát hiện ngăn chặn tình hình chặt phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn, hướng dẫn người dân xử lý thực bì trong sản xuất nương rẫy, kiểm soát chặt chẽ các đối tượng mang nguồn lửa vào rừng gây cháy rừng, không để cháy lan vào rừng. Đặc biệt, đối với UBND các xã có diện tích rừng trồng tập trung từ năm 2017 đến nay cần nắm bắt, kiểm tra, đôn đốc người dân phát dọn vệ sinh thực bì chống cháy.
Bên cạnh công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, Nhà nước còn đặc biệt chú trọng đến công tác phát triển rừng nhằm hướng đến mục tiêu phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, bảo vệ hệ sinh thái bền vững đi đôi với việc bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống cho người dân. Hiện nay, trên địa bàn cả nước nói chung và huyện Đức Cơ nói riêng, công tác trồng rừng tập trung mang lại hiệu quả kinh tế hết sức thiết thực. Các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách về bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện; nhiều chương trình dự án đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng được quan tâm triển khai thực hiện.
Với mục tiêu xã hội hóa ngành lâm nghiệp, thực hiện chính sách ưu đãi nhằm đảm bảo cho người làm rừng sống được bằng nghề rừng, xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, có thu nhập ổn định đối với đời sống người dân với ngành lâm nghiệp. UBND huyện Đức Cơ đề nghị các ngành, đơn vị liên quan, chủ rừng tuyên truyền, vận động người dân có diện tích đất lâm nghiệp đã lấn chiếm kê khai và đăng ký trồng rừng có hưởng lợi trong năm 2022 và những năm tiếp theo trên cơ sở chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
Các hộ gia đình, cá nhân kê khai diện tích đất lâm nghiệp đã lấn chiếm và tự nguyện đăng ký trồng rừng sẽ được Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí ban đầu để trồng rừng trong quy hoạch lâm nghiệp theo Quyết định số 496/QĐ-UBND ngày 29/5/2021 của UBND tỉnh Gia Lai về việc phê duyệt dự án: Các dự án bảo vệ và phát triển rừng là 2.500.000 đồng/01ha bao gồm tiền hỗ trợ mua cây giống và tiền chăm sóc trong 1 chu kỳ.
Đây vừa là quyền lợi cũng là trách nhiệm của các hộ gia đình có diện tích lấn chiếm nằm trong quy hoạch lâm nghiệp sớm đến UBND các xã nơi đang quản lý diện tích đất này để kê khai và được hướng dẫn cụ thể.
Thanh Tịnh