CHUYÊN MỤC

CẦN CHỦ ĐỘNG PHÒNG TRÁNH BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ

10/09/2022
Trong thời gian gần đây, cùng với dịch Covid-19, bệnh đậu mùa khỉ đang xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới và có nguy cơ bùng phát mạnh. Bệnh đậu mùa khỉ với các triệu chứng chính là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi, có thể gây biến chứng nguy hiểm. Trong Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người, Bộ Y tế cho biết, đậu mùa khỉ  là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng gây dịch, do virus đậu mùa khỉ gây ra. Bệnh có nguồn gốc từ châu Phi, lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với tổn thương da, dịch cơ thể, qua quan hệ tình dục, giọt bắn đường hô hấp, vật dụng của người bị nhiễm và lây truyền từ mẹ sang con. Các triệu chứng chính của bệnh là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi, có thể gây biến chứng nặng dẫn tới tử vong. Thời gian ủ bệnh từ 6 - 13 ngày. Người nhiễm không triệu chứng và không có khả năng lây nhiễm. 
Untitled.png
Ảnh minh họa
Các giai đoạn của bệnh
Thời gian ủ bệnh từ 6 - 13 ngày và giao động từ 5 - 21 ngày, người nhiễm không có triệu chứng và không có khả năng lây nhiễm.  Giai đoạn khởi phát: Từ 1 - 5 ngày với các triệu chứng chính là sốt và nổi hạch ngoại vi toàn thân. Kèm theo người bệnh có thể có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau họng, đau cơ. Virus có thể lây sang người khác từ giai đoạn này.  Giai đoạn toàn phát: Đặc trưng bởi sự xuất hiện của các ban trên da, thường gặp sau sốt từ 1 - 3 ngày, với tính chất sau:
Vị trí: Phát ban có xu hướng ly tâm, gặp nhiều trên mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân. Ban cũng có thể gặp ở miệng, mắt, cơ quan sinh dục. 
Tiến triển ban: Tuần tự từ rát tổn thương có nền phẳng đến sẩn tổn thương cứng hơi nhô cao, sau đó thành mụn nước tổn thương chứa đầy dịch trong, mụn mủ tổn thương chứa đầy dịch vàng, đóng vảy khô, bong tróc và có thể để lại sẹo. Kích thước tổn thương da: trung bình từ 0,5 - 1cm.  Số lượng tổn thương da trên một người có thể từ vài nốt cho đến dày đặc. Trường hợp nghiêm trọng các tổn thương có thể liên kết với nhau thành các mảng tổn thương da lớn.  Giai đoạn hồi phục: Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ có thể kéo dài từ 2 đến 4 tuần rồi tự khỏi. Người bệnh hết các triệu chứng lâm sàng, các sẹo trên da có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ và không còn nguy cơ lây nhiễm cho người khác. 
Bệnh được chia thành 3 thể
Thể không triệu chứng: Người nhiễm virus đậu mùa khỉ không có bất kể triệu chứng lâm sàng nào.
Thể nhẹ: Các triệu chứng thường hết sau 2 đến 4 tuần mà không cần bất kỳ biện pháp điều trị đặc hiệu nào. Thể nặng: Thường gặp trên nhóm đối tượng nguy cơ cao phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch, có thể dẫn tới tử vong, thường từ tuần thứ 2 của bệnh. Người bệnh có thể gặp tình trạng nhiễm khuẩn da, với các biểu hiện sốt kéo dài, dịch nốt phỏng đục hoặc nốt phỏng bị vỡ chảy dịch đục. Một số người có thể bị viêm phổi ho, tức ngực, khó thở, viêm não ý thức suy giảm, co giật, lú lẫn, hôn mê, nhiễm khuẩn huyết sốt kéo dài, tổn thương các cơ quan phủ tạng.
Mới đây, theo đề nghị của Hội đồng chuyên môn nghiệm thu hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh đậu mùa khỉ ở người của Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân huyện Đức Cơ xây dựng Kịch bản đáp ứng với từng cấp độ dịch bệnh Đậu mùa khỉ ở người trên địa bàn huyện Đức Cơ. Mục tiêu của việc xây dựng kịch bản nhằm quán triệt, chỉ đạo thông suốt, quyết liệt, huy động các cấp, ngành, đoàn thể tham gia vào công tác phòng chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ. Đồng thời, giám sát chặt chẽ dịch ngay tại các cửa khẩu, trong cộng đồng, phát hiện sớm, điều trị kịp thời người mắc, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, xử lý triệt để ổ dịch; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, tiếp nhận và điều trị các trường hợp mắc bệnh.
Theo kịch bản này, trên địa bàn huyện sẽ có 3 cấp độ dịch bệnh đậu mùa khỉ. Cấp độ 1: Khi chưa có trường hợp nào xác định và có dưới 20 trường hợp mắc bệnh tại tỉnh Gia Lai. Cấp độ 2 khi  có từ 5 ca trở xuống tại huyện và  hơn 50 trường hợp xác định dương tính tại tỉnh Gia Lai. Cấp độ 3 dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng, từ 100 trường hợp đến dưới 400 trường hợp xác định dương tính. Đối với những trường hợp cụ thể, huyện đã xây dựng phương án phòng chống dịch./.
 
 
                                                                                               Thanh Tịnh
 

Other


Thông tin bản quyền

Cơ quan: huyện Đức Cơ - tỉnh Gia Lai
Địa chỉ: Thị trấn Chư Ty - Huyện Đức Cơ - tỉnh Gia Lai
Điện thoại: (0269) 3846107 - Fax: (0269) 3846428 - Email:ubndducco@gialai.gov.vn
Người chịu trách nhiệm:
Lê Văn Thịnh - Chánh Văn phòng HĐND & UBND huyện Đức Cơ
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 23 tháng 5 năm 2018  của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
handle_cert.png