CHUYÊN MỤC

quatrinhhinhthanhphattrien.png
 
Thị trấn Chư Ty là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của huyện Đức Cơ. Thị trấn ược thành lập theo quyết định số 691/TC-CP ngày 26/12/1991 Ban Tổ chức Chính phủ (Nay là Bộ Nội vụ) với diện tích tự nhiên là 1.350 ha, có địa giới hành chính chạy dọc theo quốc lộ 19B là 7,5km, phía đông giáp xã IaKrêl và xã IaKriêng, phía tây giáp xã IaKla, xã IaPnôn, phía nam giáp xã IaKriêng, xã IaPnôn, phía bắc giáp xã IaKla, xã IaDơk, quy mô dân số ban đầu chỉ có 110 hộ với 430 khẩu được chia thành 2 tổ dân phố, đến nay dân số hiện có 3.144 hộ với 14.846 nhân khẩu, được chia thành 09 tổ dân phố và 01 làng Trolđeng. Trải qua những khó khăn và thử thách trên chặng đường hình thành và phát triển, từ chỗ cơ sở vật chất ban đầu hầu như chưa có gì, thu nhập của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp; Đảng ủy-HĐND-UBND-UB.MTTQ thị trấn cùng nhân dân các dân tộc trên thị trấn Chư Ty quyết tâm vượt qua mọi thử thách, khó khăn và đã làm thay đổi bức tranh toàn cảnh kinh tế-xã hội của thị trấn, đảm bảo sự ổn định về chính trị, vững mạnh về an ninh-quốc phòng.
          Tổng quan kinh tế - văn hoá - xã hội, an ninh chính trị:
Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, bộ mặt của thị trấn đã có nhiều đổi thay đáng kể, kinh tế luôn duy trì ở mức tăng trưởng khá; Đến cuối năm 2016, tỷ trọng sản xuất nông nghiệp chiếm 40,4% (giảm 39,6% so với năm 1992), thương mại - dịch vụ chiếm 33,1% (tăng 13,1% so với năm 1992), sản xuất phi nông nghiệp chiếm 26,5% (tăng 26,5% so với năm 1992). Thu nhập bình quân đầu người đạt 41 triệu đồng/người/năm (tăng 82 lần so với năm 1992).
Giá trị sản xuất công nông nghiệp, thương mại-dịch vụ có nhiều bước phát triển đáng kể, cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn và các xã lân cận. Đến cuối năm 2016, trên địa thị trấn hiện có 997 hộ kinh doanh (tăng 47 lần so với năm 1992).
Cùng với việc phát triển sản xuất nông nghiệp, thương mại-dịch vụ; xác định xây dựng thị trấn Chư Ty là trung tâm kinh tế, văn hóa của huyện Đức Cơ  và phấn đấu trở thành đô thị loại IV vào năm 2020. Trong 25 năm qua, được sự quan tâm của cấp trên bằng nhiều nguồn vốn đã đầu tư xây dựng nhiều công trình quan trọng phục vụ cho đời sống dân sinh như điện, đường, trường, trạm… các công trình đã đưa vào sử dụng hiệu quả đáp ứng yêu cầu đời sống, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, ổn định Quốc phòng-an ninh.
Đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng thị trấn ngày càng được khang trang và hiện đại hóa, kết cấu hạ tầng các tuyến đường đường giao thông nông thôn và dân sinh của các tổ dân phố, làng Trolđeng đều đã được bê tông hóa và nhựa hóa; 100% hộ dân đều sử dụng điện; 100% hộ gia đình dùng điện thoại di động, 35% hộ có ô tô (tăng 3,5 lần so với năm 1992), gần 20% hộ có nhà cao tầng và trên 70% hộ có nhà xây kiên cố (tăng gần 70% so với năm 1992).
Công tác thu ngân sách hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, năm 1992 thu ngân sách nhà nước chỉ đạt 18 triệu đồng, năm 2001 thu ngân sách nhà nước đạt 954 triệu đồng thì đến năm 2016 thu đạt 17.138 triệu đồng đạt 97,64%, trong đó thu ngân sách thị trấn là 6.599 triệu đồng đạt 134,95% kế hoạch.
Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hoá-xã hội cũng được Đảng ủy và chính quyền coi trọng và hết sức quan tâm. Quy mô trường lớp được quan tâm mở rộng, chất lượng dạy và học được nâng lên, hệ thống cơ sở vật chất trường lớp không ngừng được đầu tư hoàn thiện, đảm bảo cho công tác dạy và học ở các trường, không còn tình trạng học 3 ca; trên địa bàn thị trấn hiện có 08 trường với 4.017 học sinh, tăng 07 trường với 3.892 học sinh so với năm học 1991-1992. Nhìn chung, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên, tỷ lệ học sinh lên lớp, học sinh giỏi, tỷ lệ xét tốt nghiệp các cấp hàng năm đều tăng. Tỷ lệ huy động trẻ em 5 tuổi ra lớp đạt 99,7%; 100% cán bộ giáo viên đạt trình độ chuẩn; có 05 trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia; thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trẻ mẫu giáo 5 tuổi. Công tác khuyến học, khuyến tài, xã hội hóa giáo dục đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực.
Công tác y tế đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân; công tác tuyên truyền và phòng, chống dịch bệnh được triển khai tích cực, không để dịch bệnh xảy ra. Đến nay, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ 3,14% năm 1992 xuống còn 2,8% vào cuối năm 2016; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 10,8% (giảm 9,2% so với năm 2001).
Hoạt động thể dục, thể thao được duy trì thường xuyên, phong trào rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại được phát huy rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của nhân dân. Đến nay, trên địa bàn thị trấn có 09 hội trường tổ dân phố và 01 hội trường làng Trolđeng. Công tác xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư được triển khai rộng khắp, đến hết năm 2016, có 77,23% gia đình văn hoá, tăng 21,7% so với năm 2011; 70% thôn, làng, TDP văn hoá, tăng 10% so với năm 2011.
Chương trình xoá đói giảm nghèo được đặc biệt quan tâm, Công tác cho vay xoá đói giảm nghèo đến nay trên địa bàn thị trấn đã giải ngân trên 15 tỷ đồng cho các hộ vay để phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, đến nay tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới chiếm 2,8%. Trong giai đoạn từ năm 2011-2016 thị trấn đã huy động xây dựng 08 căn nhà Đại đoàn kết cho 08 đối tượng khó khăn. Tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và các quỹ xã hội từ thiện, nhân đạo.
Việc thực hiện chính sách dân tộc, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số đã được chú trọng, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư, tăng cường khối đại đoàn kết, củng cố niềm tin của quần chúng đối với Đảng và Nhà nước.
Tình hình an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thị trấn được đảm bảo, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội thường xuyên được tăng cường, giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn thị trấn luôn đề cao cảnh giác, chủ động đấu tranh đập tan âm mưu chống phá của bọn phản động Fulrô. Công tác giữ gìn trật tự an toàn xã hội cũng đạt nhiều thành tích.
Công tác xây dựng hệ thống chính trị luôn được coi trọng và thường xuyên củng cố, tạo tiền đề vững chắc để Đảng bộ lãnh đạo, chính quyền quản lý, điều hành và Mặt trận-các đoàn thể thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ: Ngày đầu thành lập thị trấn có 07 đảng viên với 01 chi bộ; đến nay, toàn đảng bộ thị trấn có 376 đảng viên, sinh hoạt ở 17 chi bộ trực thuộc hàng năm có trên 80% chi bộ đạt sạch vững mạnh, 20% hoàn thành tốt nhiệm vụ, không có chi bộ yếu kém. Công tác phát triển đảng viên được coi trọng, bảo đảm nguyên tắc, tiêu chuẩn, phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương; hàng năm có trên 80% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được tiến hành thường xuyên và gắn với công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Chất lượng đội ngũ cán bộ được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới 
Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và các chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của từng năm được triển khai có hiệu quả, góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ tư tưởng và nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội; quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
          Vai trò của Mặt trận và các đoàn thể tiếp tục được phát huy có hiệu quả, phương thức hoạt động từng bước đổi mới theo hướng tập trung về cơ sở; Thường xuyên tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân  thực hiện tốt quan điểm của Đảng và tăng cường củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, thực sự là cầu nối giữa Đảng với nhân dân. Từ sự phát triển mạnh mẽ của các tổ chức đoàn thể, đã phát động nhiều phong trào có ý nghĩa như: Giúp nhau làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thanh niên lập nghiệp, tuổi trẻ giữ nước, xây dựng đời sống mới ở khu dân cư… Tích cực vận động bà con giáo dân sống tốt đời đẹp đạo, không nghe theo lời kích động của bọn phản động. Nhìn chung, các phong trào đều được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia hưởng ứng, khối đại kết toàn dân ngày càng được củng cố và mở rộng; truyền thống yêu nước, lòng nhân ái, tính năng động, sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân được phát huy mạnh mẽ; ý thức tự lực, tự cường trong xây dựng phát triển kinh tế-xã hội, ổn định chính trị và xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân được đề cao./.
 
Thông tin bản quyền

Cơ quan: huyện Đức Cơ - tỉnh Gia Lai
Địa chỉ: Thị trấn Chư Ty - Huyện Đức Cơ - tỉnh Gia Lai
Điện thoại: (0269) 3846107 - Fax: (0269) 3846428 - Email:ubndducco@gialai.gov.vn
Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Văn Thịnh
- Chánh Văn phòng HĐND & UBND huyện Đức Cơ
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 23 tháng 5 năm 2018  của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai