Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Viêm da nổi cục ở trâu, bò trên địa bàn tỉnh

 Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Viêm da nổi cục ở trâu, bò trên địa bàn tỉnh

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, tình hình dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát và có chiều hướng tăng nhanh về số lượng bò mắc bệnh, lây lan trên diện rộng. Tính đến ngày 27/7/2021 toàn tỉnh có 12.758 con bò mắc bệnh Viêm da nổi cục (VDNC), trong đó, có 598 con chết, tiêu hủy, số bò khỏi bệnh 3.827 con; số bò còn bệnh 8.333 con. Để nhanh chóng khống chế dịch bệnh VDNC ở trâu, bò, hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh đến đời sống của người chăn nuôi và tác động tiêu cực của tình trạng dịch chồng dịch trong tình hình dịch bệnh Covid-19, Sở Nông nghiệp và PTNT vừa ban hành văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm, khắc phục những mặt hạn chế, tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống dịch bệnh viên da nổi cục.

Untitled.png
Ảnh minh hoạ
Theo đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức công bố dịch khi có đủ điều kiện theo quy định, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch, phân công phân nhiệm cụ thể cho các thành viên, thành viên Ban chỉ đạo bám sát địa bàn, chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác chống dịch ở cơ sở. Tăng cường công tác giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch ngay khi còn ở diện hẹp, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Hướng dẫn hộ chăn nuôi: Cách ly, chăm sóc tích cực gia súc bệnh, điều trị triệu chứng, bệnh kế phát theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; vệ sinh, tiêu độc hàng ngày khu vực chuồng nuôi; áp dụng các biện pháp tiêu diệt côn trùng chích đốt, hạn chế lây lan dịch bệnh; bổ sung dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng cho gia súc khỏe. Tổ chức tiêu hủy gia súc chết theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Tiếp tục triển khai công tác tiêu độc khử trùng ngày 01 lần tại khu vực chăn nuôi có gia súc bệnh, 01 lần/tuần tại các khu vực xung quanh. Thường xuyên phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh. Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực, kinh phí để triển khai tiêm khẩn cấp 40.000 liều vắc xin VDNC trên toàn tỉnh từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ.
Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, vận động người chăn nuôi chủ động tiêm vắc xin VDNC cho trâu, bò của gia đình và bố trí từ nguồn ngân sách địa phương để mua vắc xin tiêm phòng cho trâu, bò trên địa bàn huyện. Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động: Giết mổ, vận chuyển trâu, bò ra, vào vùng dịch; hoạt động của người hành nghề thú y tự do.
Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cần được triển khai đồng bộ, trọng tâm trong giai đoạn này là công tác tiêm phòng vắc xin, tiêu độc khử trùng, diệt côn trùng truyền bệnh, chăm sóc, điều trị gia súc bệnh. Trong quá trình triển khai các biện pháp phòng, chống dịch VDNC cần lưu ý phải đảm bảo tuân thủ nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
                                                                                                            Kiều Nhung

Quay lại