Xã Ia Dơk huyện Đức Cơ bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống

Xã Ia Dơk huyện Đức Cơ bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống

Thực hiện Nghị quyết TW5 Khóa VIII về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, trong những năm qua, xã Ia Dơk huyện biên giới Đức cơ đã có nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người dân tộc Jrai. Các lễ hội truyền thống và hoạt động văn hóa đặc trưng đã được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. 

         Đầu tháng 8 năm 2017, Học viện Chính trị - Hành chính Khu vực 3 tại Đà Nẵng đã phối hợp với Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đức cơ và xã Ia Dơk tổ chức phục dựng các lễ hội truyền thống của người Jrai. Đây là một hoạt động nhằm thực hiện đề án “Nghiên cứu, phục dựng các lễ hội truyền thống của người Jrai ở tỉnh Gia Lai”. Việc phục dựng được thực hiện với lễ cúng rẫy, lễ cúng giọt nước và cúng nhà rông tại làng Ghè xã Ia Dơk. Tiến sĩ Trung Thị Thuy Thủy-Trưởng khoa Văn Hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Khu vực III là Chủ nhiệm đề tài đã cùng với phòng Văn hóa-Thông tin huyện và chính quyền xã Ia Dơk và bà con làng Ghè chuẩn bị từ nhiều ngày cho việc cúng lễ. Từ các vật tế lễ cúng Yàng như heo, gà, rượu ghè đến những trang phục truyền thống đều được chuẩn bị khá kỹ lưỡng. Tiến sĩ Trung Thị Thu Thủy-Trưởng khoa Văn Hóa và Phát triển-Học viện Chính trị Khu vực III cho biết, đoàn đã lựa chọn làng Ghè xã Ia Dơk để thực hiện đề tài này vì địa phương còn bảo tồn được những nét văn hóa truyền thống của người Jrai, “Mục đích của chúng tôi là muốn qua những lễ hội này của  nhóm người Jrai Tơ-Boăn ở Đức cơ để làm rõ được những sự khác biệt, những cái dị biệt, những cái đặc trưng riêng trong lễ hội của từng nhóm người Jrai ở tỉnh Gia Lai. Qua đó sẽ có những phương án, cách thức bảo tồn giá trị văn hóa, kết tinh trong những lễ hội truyền thống”
gia-lang-Kuih-Oh-trong-le-cung-ray-(1).jpg
Già làng Kuih  Ôh trong lễ cũng rẫy
          Già làng Kpuih Ôh làng Ghè xã Ia Dơk là người được tin tưởng giao nhiệm vụ tiến hành các nghi thức cúng trong cả 3 lễ: cúng nhà rông, cúng giọt nước và lễ cúng rẫy. Là người con của làng đã có nhiều năm tham gia các nghi thức cúng nên già Kpuih Ôh hiểu rất rõ những phong tục, tập quán và nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Theo già, hiện nay, người Jrai ở làng Ghè xã Ia Dơk vẫn giữ được những nét truyền thống đặc trưng vốn có mà ông bà để lại. Từ nhiều năm nay, bà con làng Ghè xã Ia Dơk luôn duy trì các lễ hội dân gian truyền thống như lễ thổi tai, lễ đặt tên, lễ bỏ mả hay những lễ hội nông nghiệp. Bà con cũng còn lưu giữ được những bộ chiêng quý và có những nghệ nhân nổi tiếng như nghệ nhân kể khan Rơ Mah Kim. Năm 2016, cây đa làng Ghè xã Ia Dơk được công nhận là cây di sản Việt Nam cũng giúp bà con tiếp tục gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống vốn có của dân tộc mình. Dưới gốc đa di sản, bà con dân làng thường xuyên tổ chức các lễ hội gắn liền với cây đa-giọt nước. Trao đổi với chúng tôi anh Rơ Lan Nhin-Công chức Văn Hóa xã Ia Dơk cho biết, không chỉ bà con làng Ghè mà bà con Jrai ở làng Mới, làng Poong, làng Dơk Ngol hay Dơk Lah đều ý thức được việc bảo tồn các giá trị văn hóa, các lễ hội truyền thống. Những năm qua, người dân các làng vẫn thường xuyên tổ chức các lễ hội như lễ Pơ Thi, lễ mừng lúa mới, lễ cúng nhà rông, cúng giọt nước. Làng nào cũng thành lập được các đội cồng chiêng, đội múa xoang và thường xuyên trình diễn trong lễ hội. Những người già luôn chỉ dạy cho con cháu các bài dân ca Jrai, chỉ dạy cách đánh cồng, đánh chiêng và những điệu múa xoang truyền thống. Tại các hội thi hay trình diễn cồng chiêng của huyện xã Ia Dơk là địa phương đóng góp nhiều tiết mục xuất sắc.   
nhung-đieu-mua-xoang-truyen-thong-van-con-đuoc-giu-gin-va-phat-huy-trong-cac-le-hoi.jpg
Những điệu múa xoang truyền thống vẫn còn được giữ gìn và phát huy trong các lễ hội

 
          Với việc tổ chức phục dựng các lễ hội truyền thống của đồng bào Jrai, về lâu dài đồng bào Jrai ở xã Ia Dơk và huyện Đức cơ sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đồng thời, khi các lễ hội truyền thống được phát huy sẽ khơi dậy niềm tự hào dân tộc, động viên, khuyến khích bà con tiếp tục đóng góp công sức xây dựng quê hương, xây dựng thôn làng ngày càng giàu đẹp./.
 
 
                                                                                 Minh Châu-Ngọc Minh

Quay lại