KPUIH TUI-THỦ LĨNH TRỒNG RỪNG

KPUIH TUI-THỦ LĨNH TRỒNG RỪNG

Hiện nay, làng Nẻh, xã Ia Din, huyện Đức Cơ không chỉ được biết đến là làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số đầu tiên của xã Ia Din, huyện Đức Cơ mà còn được biết đến là làng trồng rừng giỏi nhất của huyện. Từ năm 2018 đến nay, bà con làng Nẻh đã trồng được hơn 50 ha rừng từ diện tích đất trồng cây công nghiệp kém hiệu quả và diện tích đất rừng lấn chiếm trước đây. Phong trào trồng rừng của bà con làng Nẻh xuất phát từ thôn trưởng Kpuih Tui. Bởi thế, bà con làng Nẻh luôn gọi Kpuih Tui với cái tên thân mật “Thủ lĩnh trồng rừng”.

Untitled.png
Ảnh minh họa
Đầu 2018, huyện Đức Cơ bắt đầu triển khai chủ trương của tỉnh về thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm để chuyển đổi cây trồng phù hợp và trồng rừng theo Kế hoạch số 1123/KH-UBND ngày 23/3/2017 của UBND tỉnh Gia Lai về Tổ chức thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm để chuyển cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng. Thực hiện chủ trương này, xã Ia Din đã triển khai kế hoạch trồng rừng từ diện tích đất trồng cây công nghiệp kém hiệu quả và diện tích đất rừng được thu hồi. Ban đầu, do chưa hiểu rõ mục đích của việc thu hồi đất rừng nên bà con dân làng còn có tâm lý e ngại, sợ mất đất sản xuất. Tuy nhiên, riêng bản thân Kpuih Tui đã nhận thức được rõ chủ trương này. Vì thế, Kpuih Tui đã mạnh dạn đăng ký trồng rừng với diện tích 2 ha. Anh Tui cho biết, trước kia diện tích đất này, gia đình anh chỉ trồng cây mì và cây điều nên thu nhập chẳng đáng là bao. Đang lúc loay hoay suy nghĩ không biết trồng cây gì thì được xã tuyên truyền, vận động trồng cây rừng theo chủ trương của Tỉnh. Ban đầu, anh Tui cũng băn khoăn vì chưa biết trồng rừng sẽ thế nào. Nhưng rồi suy đi, tính lại, anh quyết định đăng ký trồng rừng sản xuất trên diện tích đất trồng cây công nghiệp kém hiệu quả. Khi bắt đầu trồng rừng, gia đình Kpuih Tui được xã hỗ trợ hơn 5.000 cây giống bạch đàn và 9.000 cây giống keo lai. Đến nay, sau hơn 5 năm trồng rừng, diện tích keo lai và bạch đàn của gia đình anh đã phát triển xanh tốt. Một cánh rừng bạt ngàn đã phủ xanh trên diện tích đất cằn cỗi trước đây với những cây keo lai, bạch đàn cao hơn đầu người, lá xanh mơn mởn. Nhìn bằng mắt thường có thể ước lượng đường kính thân cây to nhất cũng đạt từ 20 đến 40cm. Khi đi qua cánh rừng này, nhiều người đều tỏ ra ngưỡng mộ và khâm phục ý chí của anh Tui. Bản thân anh Kpuih Tui cũng tự hào vì mình đã trồng được những cánh rừng keo lai bạt ngàn.
Trong 2 năm gần đây, mô hình trồng rừng của gia đình Kpuih Tui là điểm thăm quan và học hỏi kinh nghiệm của nhiều đoàn công tác trong và ngoài huyện. Và từ khi anh Tui trồng rừng, nhiều bà con làng Nẻh, xã Ia Din, huyện Đức Cơ và các làng lân cận cũng đến học hỏi và làm theo. Bà con làng Nẻh đã có cái nhìn khác về chủ trương thu hồi đất rừng để trồng cây lâm nghiệp và trồng rừng. Bà con dân làng đã hiểu rõ việc thu hồi đất rừng bị lấn chiếm không phải là Nhà nước lấy lại đất của người dân mà là tạo điều kiện để bà con trồng rừng trên diện tích đất ấy. Sau này khi cây rừng phát triển bà con sẽ là người quản lý, khai thác diện tích rừng này. Dưới tán rừng bà con vẫn có thể sản xuất, chăn nuôi và khai thác cây rừng. Hiện nay, trên địa bàn làng Nẻh, xã Ia Din đã có hơn 50ha rừng tập trung các loại, tạo thành một cánh rừng bạt ngàn, xanh mướt.
Đầu năm 2022, hội nông dân xã Ia Din, huyện Đức Cơ đã thành lập tổ hội nghề nghiệp trồng rừng và thôn trưởng Kpuih Tui lại được tín nhiệm làm tổ trưởng. Trên cương vị của mình anh Tui luôn hăng hái tham gia các hoạt động ở địa phương. Anh tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con dân làng tham gia trồng rừng. Trao đổi với chúng tôi bà Nguyễn Thị Thu Huề-Chủ tịch hội Nông dân xã Ia Din, huyện Đức Cơ cho biết, hiện nay, Tổ hội nghề nghiệp trồng rừng tại làng Nẻh, xã Ia Din đã thu hút được 25 thành viên. Diện tích rừng 50ha của tổ hội được trồng bằng các loại cây phù hợp với chất đất của địa phương như bạch đàn, keo lai và gáo vàng. Hiện nay, diện tích cây rừng đang phát triển tốt hứa hẹn cho sản lượng cao khi đến kỳ khai thác. “Nhờ tổ trưởng Kpuih Tui luôn thường xuyên trao đổi, giúp đỡ, chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm trong quá trình trồng và chăm sóc cây rừng mà bà con dân làng đã tích cực trồng rừng”
Còn anh Nay Keo ở thôn Thống Nhất, xã Ia Din, huyện Đức Cơ thì cho biết, học hỏi từ mô hình trồng rừng của tổ trưởng Kpuih Tui, gia đình anh cũng đã trồng được hơn 2 ha rừng keo lai. Nhờ chăm sóc tốt nên diện tích rừng của gia đình anh cũng đang phát triển xanh tốt. Không chỉ gia đình anh Keo mà nhiều gia đình ở các thôn, làng trên địa bàn xã Ia Din và các xã trong huyện đã biết đến mô hình trồng rừng của tổ trưởng Kpuih Tui. Và nhiều người đã thực sự “Đam mê trồng rừng”.
          Từ mô hình trồng rừng của thôn trưởng Kpuih Tui, giờ đây bà con làng Nẻh, xã Ia Din, huyện Đức Cơ đã có nhận thức mới, đúng đắn hơn về chủ trương trồng rừng. Việc chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng rừng ở xã Ia Din đã góp phần phát triển diện tích rừng trồng tập trung, bảo vệ môi trường sống và về lâu dài sẽ góp phần giúp bà con xóa đói, giảm nghèo../.
 
                                                                                             Minh Châu
 

Quay lại