CHUYÊN MỤC

gt.jpg

 
I. Điều kiện tự nhiên.
- Xã Ia Dơk nằm về phía Bắc huyện Đức Cơ, cách trung tâm huyện Đức Cơ khoảng 17 km. Có ranh giới như sau:
Giới cận:
+ Phía Bắc : Giáp xã Ia Tô - huyện Ia Grai
+ Phía Nam     : Giáp thị trấn Chư Ty, xã Ia Krêl
+ Phía Đông    : Giáp xã Ia Krêl
+ Phía Tây       : Giáp xã Ia Kla- huyện Đức Cơ;  xã Ia Chía - huyện Ia Grai
1. Địa hình, khí hậu.
- Địa hình
Cấu trúc địa hình phức tạp, bị chia cắt mạnh bởi hệ thống sông suối tương đối dày và các ao hồ tự nhiên. Địa hình khu vực này là địa hình đồi núi tương đối cao gồm các dãy núi có độ cao từ 350m-500m và có độ dốc từ 3o đến 15o, có nơi 20o, địa hình đồi núi xen lẫn thung lũng. Độ cao thấp dần từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây. Địa hình được hình thành do các chuyển động kiến tạo địa chất nâng lên dẫn đến quá trình ngoại sinh, rửa trôi, bào mòn cộng với các hoạt động xâm thực diễn ra rất mạnh mẽ nên cần phải có chế độ canh tác hợp lý nếu không sẽ dẫn đến đất bị phong hóa bạc màu nhanh chóng.
Các dạng địa hình phân bố đều như sau:
- Địa hình bằng phẳng, độ dốc từ 0o - 5o phân bố ở ven và triền suối, thung lũng độ cao < 300m, đất đai màu mỡ thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp lúa nước.
- Địa hình đồi núi cao có độ dốc 15o- 20o chỉ chiếm diện tích ít và phân bố ở phía bắc địa bàn xã.
- Khí hậu- thuỷ văn
* Khí hậu:
Xã Ia Dơk nói riêng và huyện Đức Cơ nói chung nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa của phía Nam Việt Nam, lại mang tính chất của khí hậu cao nguyên. Nhiệt độ ôn hòa mát mẻ, nhiệt độ trung bình trong năm: 22,10C, nhiệt độ tối cao: 33,80C, nhiệt độ tối thấp: 5-60C. Biên độ giao động nhiệt trung bình của tháng cao nhất và thấp nhất: 5-60C, giữa các tháng liền kề khoảng: 1-20C, biên độ ngày đêm từ 10-140C.
Độ ẩm trung bình năm: 85,3%, trung bình thấp nhất mùa khô: 58,7%, trung bình cao nhất mùa mưa: 96,4%. Tổng lượng mưa trung bình cả năm 2.360 mm, năm lớn nhất: 3.154 mm, năm nhỏ nhất: 1.652 mm, số ngày mưa trung bình năm: 156 ngày. Bất lợi chính của Ia Dơk nói riêng và của khu vực nói chung hiện nay là có 6 tháng mùa khô kéo dài. Lượng mưa chỉ chiếm 10% tổng lượng mưa hàng năm, từ tháng 1 đến tháng 3 hầu như không có mưa, do đó đã gây nên tình trạng khô hạn, hầu hết các cây trồng của xã giai đoạn này phát triển chậm. Suốt 6 tháng mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 phần lớn diện tích canh tác bỏ không chờ đến tháng 5 có mưa mới gieo trồng được.
* Thủy văn:
Chế độ thủy văn chịu ảnh hưởng trực tiếp của hai yếu tố khí hậu và địa hình. Mùa của khí hậu quy định mùa của thủy văn, tương ứng với mùa mưa là mùa nước lớn và mùa khô là mùa nước cạn.
Toàn xã có 3 con suối chính chảy theo hướng dốc của địa hình chia cắt xã hình thành nhiều khu vực tách biệt:
- Suối Ia Blăng chảy từ xã Ia Krêl và nhánh của nó nằm ở phía Tây chạy dọc theo địa giới hành chính của hai xã Ia Dơk và xã Ia Krêl về hướng Bắc, chiều dài khoảng 3,50 km.
- Suối Ia Mang và nhánh của nó nằm ở phía Đông, có chiều khoảng dài 5 km, chảy dọc theo hướng từ Bắc xuống Nam.
- Suối Ia Pong là tổ hợp của nhiều khe suối nhỏ xuất phát từ các dãy đồi núi cao chảy theo hướng từ Đông-Bắc xuống Tây-Nam, kết hợp với suối IaKrêl và các nhánh nhỏ tạo thành một mạng lưới khá dày, chiều dài 10,0 km.
Tất cả những con suối trên đều có độ dốc dòng chảy từ 3-150, độ rộng trung bình của tất cả các con suối trên địa bàn xã là 2,5 m có lưu lượng dòng chảy thay đổi theo mùa. Tốc độ dòng chảy lớn nhất là vào mùa mưa và nhỏ nhất vào mùa nắng.
Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có hai hồ lớn và nhiều ao hồ nhỏ, hàng năm giải quyết một lượng lớn nguồn nước tưới cho cây trồng.
2. Tài nguyên
- Tài nguyên nước:
Theo bản đồ phân bố nước ngầm tỉ lệ 1/100.000 của đề tài độc lập cấp nước mã số KX-ĐL 05-95 Sở Khoa Học Công Nghệ và Môi Trường tỉnh Gia Lai, huyện Đức Cơ nói chung và xã Ia Dơk nói riêng là một vùng thuộc khu vực có điều kiện tương đối thuận lợi về sử dụng nước ngầm. Mô đun dòng chảy ngầm < 0.51/s/km2. mực nước ngầm trong huyện có độ sâu không đều 5-20m.
-Về nguồn nước mặt: Xã Ia Dơk có tiềm năng nước mặt khá lớn, đặc biệt là hai hồ lớn và những con suối chính chảy trên địa bàn (suối Ia Blăng, Ia Mang, Ia Krêl...). Chất lượng nước là khá tốt hầu như chưa bị ảnh hưởng của các hoạt động sản xuất công nghiệp và hoạt động của con người. Nước có chất lượng đạt tiêu chuẩn loại A cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và giữa loại A với loại B cho mục đích sinh họat. Tuy nhiên, những năm qua việc phun thuốc trừ sâu bừa bãi gây ô nhiễm cần có biện pháp ngăn ngừa trong tương lai và trước khi khai thác sử dụng nguồn nước ăn uống sinh hoạt cần phân tích, kiểm tra và sử lý kỹ chất lượng nước. Cùng với xu thế tăng diện tích trồng cây lâu năm đã làm giảm đi diện tích mặt nước, nên lượng nước mặt hàng năm cũng chỉ cung cấp đủ nước phần nào cho nhu cầu tưới của cây trồng, còn nước sinh hoạt của nhân dân chủ yếu được khai thác từ nguồn nước ngầm.
Bên cạnh đó, do sự phân hóa sâu sắc của khí hậu trong năm khiến cho mùa mưa nước mặt quá dư thừa gây lũ lụt, xói mòn đất. Còn trong mùa khô lại quá thiếu đến nỗi không thể canh tác được hoặc canh tác chủ yếu vào nhờ nước trời. Vì vậy để đảm bảo nước tưới, tăng diện tích sản xuất, tăng năng suất cây trồng chúng ta cần tính đến bài toán cân bằng, điều tiết nước giữa mùa khô và mùa mưa.
-Về nguồn nước ngầm: Chất lượng nước ngầm của xã Ia Dơk tốt, đặc biệt nước ngầm trong bazan và Mezozoi có chất lượng nước rất tốt, thường có thành phần giống nước mưa, có dạng HCO3-, Cl-, Na- là chủ yếu với tổng độ khoáng từ (0.0015 - 0.117)g/l. Trữ lượng nước ngầm khá lớn, phân bổ chủ yếu trong phức hệ chứa nước phun trào bazan, lỗ hổng khe nét trong các đới phong hóa của đá bazan. Có độ sâu 15-25m, có khi lớn hơn tùy địa hình. Cùng với các nguồn nước mặt đảm bảo cung cấp nước đầy đủ cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt.
Tuy nhiên theo nghiên cứu và đánh giá của phân viện khí tượng thủy văn miền Nam, độ sâu nước mạch nước suy giảm khá nhanh trong những năm gần đây. Nguyên nhân là do tầng nước mạch bị khai thác mạnh phục vụ cho sinh hoạt và tưới cây công nghiệp như cà phê, tiêu. Mặt khác do rừng bị chặt phá nặng nề dẫn đến việc bổ sung trữ lượng nước mạch, nước ngầm vào mùa mưa bị giảm mạnh.
Để sử dụng có hiệu quả lâu dài nguồn nước mạch cũng như nước ngầm thì cần phải có những đề tài nghiên cứu để đánh giá chính xác thực trạng về trữ lượng, phân bố nước ngầm, trên cơ sở đó quy hoạch và có kế hoạch khai thác sử dụng hợp lý. Đồng thời điều chỉnh về cơ cấu cây trồng trong phạm vi xã  nhằm tránh những rủi ro và những hậu quả thiệt hại nghiêm trọng.
- Đất đai.
Diện tích tự nhiên của xã: 5030,53ha. Trong đó:
* Tổng diện tích đất Nông Nghiệp: 4.564,59ha
- Đất sản xuất nông nghiệp:4.542,02 ha.
+ Đất trồng cây hàng năm: 261.66ha.
+ Đất trồng cây lâu năm: 4.280,36ha.
- Đất lâm nghiệp:18.15 ha.
- Đất nuôi trồng thuỷ sản: 4.42ha.
* Đất phi nông nghiệp: 448,99ha.
- Đất ở: 87,06ha.
- Đất chuyên dùng : 220,52ha.
+ Đất trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp: 2,42ha
+ Đất xản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp: 0,07ha.
+ Đất công cộng: 218,03ha.
- Đất tôn giáo (nếu có): 00ha.
- Đất nghĩa trang, nghĩa địa: 5,21ha.
- Đất cây xanh, mặt nước chuyên dùng: 136,20ha.
II. Điều kiện kinh tế - xã hội.
1. Dân cư

- Xã Ia Dớk có 13 thôn làng, trong đó có 04 thôn và 09 làng. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 là 28%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 là 15,27 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ thôn, làng văn hóa năm 2016 là 03/13 thôn, làng.
- Về cơ cấu dân số: toàn xã  có 1.797 hộ, với 8.344 người trong đó:
Dân tộc Kinh: 2791  người, chiếm 33.45%
Dân tộc Jrai: 5457 người, chiếm 65.40%
Dân tộc khác: 96 người, chiếm 1.15% 
2. Văn hóa – xã hội
- Giáo dục: Hiện nay trên địa bàn xã có 5 trường trong đó có 01 trường mầm non, 02 trường tiểu học (01 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất), 02 trường THCS. Xã đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, trung cấp) đạt 82%. Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt 33,7%.
-  Y tế: Đội ngũ cán bộ y tế của trạm y tế xã có 5 người (trong đó có 2 bác sỹ; 1 nữ hộ sinh; 01 dược sỹ; 01 điều dưỡng), trạm y tế xã có tủ thuốc và y dụng thiết yếu phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân. Y tế xã được công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế xã được tập trung đầu tư cơ bản. Công tác khám chữa bệnh cho nhân dân ở các cơ sở y tế ngày càng tốt hơn. Tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm đạt 85.4%. Tuy nhiên, để cũng cố và nâng cấp đạt chuẩn, công tác y tế xã và các trạm y tê phải được tiếp tục đầu tư cả con người và cơ sở vật chất (nhà chính của trạm y tế xã còn là nhà cấp IV, trang thiết bị còn thiếu,...) để phục vụ khám, chữa bệnh tốt hơn nữa cho nhân dân (theo kế hoạch xây dựng nông thôn mới huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai giai đoạn 2016 – 2020).
- Giao thông: Hệ thống giao thông của xã nhìn chung  cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm đạt tỷ lệ 85 %. Đường trục thôn, làng và đường liên thôn, làng ít nhất được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện đạt 33,1%.  Đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm (cứng hóa) đạt tỷ lệ 11,9%. Tuy nhiên, vẫn còn một số tuyến đường đặc biệt là đường nội đồng còn bị lầy lội vào mùa mưa gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.
- Điện: Điện lưới quốc gia đã đến được 100% số thôn làng; Hiện nay hệ thống điện cơ bản đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện, bảo đảm cung cấp điện an toàn, thường xuyên.
- Nhân lực: Tổng số Cán bộ, công chức xã là 43 đồng chí, trong đó cán bộ chuyên trách là 12 đồng chí, đạt chuẩn chức danh là 08/ 12 đồng chí, công chức xã 09 đồng chí, đạt chuẩn chức danh 02/9 đồng chí, cán bộ bán chuyên trách là 22 đồng chí; cán bộ thôn, làng là 130 đồng chí.
- Hệ thống chính trị: Xã có đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở theo quy định. 04/05 tổ chức chính trị - xã hội của xã đạt loại khá trở lên.
Trên địa bàn xã phần lớn lao động làm nông nghiệp, chủ yếu trồng cà phê, tiêu, làm công nhân trong Công ty TNHH MTV 74, 75, chăn nuôi và kết hợp buôn bán, đời sống kinh tế tương đối ổn định. Các làng người đồng bào dân tộc thiểu số đời sống còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán lạc hậu. Phần lớn các hộ đồng bào dân tộc trồng các cây ngắn ngày để tự cung tự cấp như lúa ruộng, bắp, sắn, bầu bí và rau các loại, diện tích trồng cà phê, tiêu không đáng kể.
III. Những thuận lợi và khó khăn
1. Thuận lợi:

- Được sự quan tâm của cấp trên đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế ở địa phương mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân.
- Có tiềm năng tài nguyên đất đai màu mỡ, hệ thống kênh thủy lợi nội đồng cơ bản hoàn thiện đáp ứng nhu cầu tưới tiêu mang lại hiệu quả trong sản xuất.
- Tốc độ phát triển dân số trung bình, nguồn lao động dồi dào.
2. Khó khăn:
- Phần lớn lao động là lao động phổ thông chưa qua đào tạo, tập trung chủ yếu là lực lượng lao động nông thôn, hiệu quả lao động, năng suất thấp.
- Xã có điểm xuất phát thấp, trình độ dân trí chưa cao, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, gần như chưa đạt các tiêu chí nông thôn mới, nhất là kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đảm bảo, nhu cầu nguồn lực đầu tư khá lớn, trong khi việc phân bổ nguồn vốn ngân sách hàng năm từ Trung ương, tỉnh và huyện rất hạn chế, việc huy động sức dân đang gặp nhiều khó khăn nên ảnh hưởng lớn đến tiến độ xây dựng các công trình.
- Việc lãnh đạo, chỉ đạo định hướng phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; đổi mới và xây dựng các hình thức sản xuất phù hợp để nâng cao thu nhập cho dân cư nông thôn còn lúng túng, chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm.
- Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động chưa được triển khai thực hiện tốt.
- Nguồn nhân lực phục vụ chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới còn thiếu và yếu; chưa huy động hết tiềm năng nội lực trong nhân dân, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước.
IV. Cơ cấu tổ chức:


Untitled.png

         Untitled-(1).png
        Untitled-(2).png
   
Skip Navigation Links.

Other


Thông tin bản quyền

Cơ quan: huyện Đức Cơ - tỉnh Gia Lai
Địa chỉ: Thị trấn Chư Ty - Huyện Đức Cơ - tỉnh Gia Lai
Điện thoại: (0269) 3846107 - Fax: (0269) 3846428 - Email:ubndducco@gialai.gov.vn
Người chịu trách nhiệm:
Lê Văn Thịnh - Chánh Văn phòng HĐND & UBND huyện Đức Cơ
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 23 tháng 5 năm 2018  của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
handle_cert.png